Ngay những ngày đầu của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM, các cấp Công đoàn TP đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình chăm lo cho đoàn viên, CNVC-LĐ. Dù phải căng mình làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng với vai trò đại diện của người lao động (NLĐ), mỗi cán bộ Công đoàn đều gắng hết sức mình vì mục tiêu chung là chăm lo, bảo vệ tốt nhất cho đoàn viên.
Hy sinh thầm lặng
Là Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM, bà Phạm Ngọc Lan luôn xông xáo đi đầu, trực tiếp đến các điểm bị phong tỏa, cách ly để động viên và trao quà hỗ trợ cho đoàn viên, CNVC-LĐ, dân nghèo và lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ tại các điểm chốt chặn, cơ sở y tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM - thăm hỏi tình hình công nhân bị cách ly qua lực lượng y tế . Ảnh: HỒNG ĐÀO
Xông pha tại các điểm nóng, nguy cơ lây nhiễm cao khiến không ít người ái ngại, song với suy nghĩ không thể bỏ rơi NLĐ lúc khó khăn, bà Lan vẫn tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ Công đoàn. Sau một lần đi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch trên đường Nguyễn Minh Châu, phường Phú Trung, bà Lan trở thành F1 và phải đi cách ly tập trung khi khu vực này phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2. Đã chuẩn bị trước tinh thần cho tình huống này nhưng lúc nhận thông tin thuộc diện F1, tâm trạng bà Lan cũng rối bời vì việc nhà, việc cơ quan còn ngổn ngang. Thời điểm đó, con gái lớn của bà vốn bị bệnh nan y lại phải nhập viện vì vết thương nhiễm trùng. Nhà neo người, chỉ có 3 mẹ con nên buộc lòng bà phải sắp xếp cho con gái nhỏ (gần 14 tuổi) vào viện chăm sóc chị.
"Điều khiến tôi nặng lòng nhất là 2 con cũng trở thành F2, phải cách ly, điều trị tại bệnh viện mà không có mẹ kề bên chăm sóc. May mắn là các cháu có tính tự lập cao nên biết chăm sóc nhau và điều này khiến tôi cũng yên tâm hơn" - bà Lan bộc bạch.
Tại khu cách ly, qua hình thức làm việc online, bà đã cùng đội ngũ cán bộ Công đoàn quận tiếp tục vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang, đồ bảo hộ, áo mưa, nệm… cho các điểm phong tỏa và khu vực cách ly. Đồng thời, rà soát danh sách đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch để kịp thời chăm lo cho họ. Tính đến nay, LĐLĐ quận đã chăm lo cho đoàn viên - lao động, hộ nghèo, lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền hơn 530 triệu đồng; hỗ trợ 127 NLĐ diện F0, F1 với tổng số tiền 204 triệu đồng.
Trong thời gian bị cách ly, điều hạnh phúc nhất của bà Lan là liên tục nhận được những lời động viên, chia sẻ, những phần thực phẩm tiếp tế do đoàn viên, NLĐ gửi đến. Với bà, đây là món quà tinh thần vô giá bởi nó thể hiện sự ghi nhận của đoàn viên, NLĐ đối với những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Công đoàn khi thực hiện vai trò của mình.
Khó khăn không lùi bước
Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, quận Gò Vấp, TP HCM trở thành một trong những tâm dịch, rất đông đoàn viên - lao động phải cách ly hoặc phong tỏa. Trăn trở trước những khó khăn mà NLĐ phải trải qua trong những ngày cách ly, Ban Thường vụ LĐLĐ quận đã lập tức lên kế hoạch chăm lo kịp thời cho họ. Thế nhưng, những ý tưởng chưa kịp triển khai thì bà Nguyễn Thị Bạch Yến (Chủ tịch LĐLĐ quận) và ông Phạm Văn Tài (Phó Chủ tịch LĐLĐ quận) nhận được thông tin nơi ở của mình bị phong tỏa, buộc phải cách ly tại nhà.
Giữa lúc công việc ngổn ngang, bà Yến vẫn cố gắng điều hành tốt công việc từ xa. Từ nguồn kinh phí tích lũy được, LĐLĐ quận đã khảo sát và hỗ trợ hơn 100 đoàn viên bị cách ly tập trung hoặc sống tại các khu vực phong tỏa. Bà Yến cũng liên hệ nhiều nơi để vận động ủng hộ các nhu yếu phẩm, gạo, mì gói, trái cây… tiếp tế cho lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn bị phong tỏa, tạm thời mất thu nhập.
Chỉ trong một thời gian ngắn, LĐLĐ quận đã phối hợp với các phường chăm lo cho trên 700 trường hợp, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu hàng trăm triệu đồng, góp phần vào công tác chống dịch chung của quận. "Điều tôi hài lòng là sự đoàn kết của cả đội ngũ. Khối lượng công việc rất lớn, mỗi ca làm việc chỉ có 4 người nên ai cũng rất áp lực. Thế nhưng, tất cả đã hết sức nỗ lực vì lợi ích của NLĐ" - bà Yến chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM cũng đã chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của NLĐ để kịp thời hỗ trợ. Cùng với các cán bộ Công đoàn chuyên trách, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, lập tức có mặt ở các điểm nóng dù biết nguy cơ lây nhiễm rất cao. "Rất nhiều trường hợp F0, F1, F2 đang cần hỗ trợ và LĐLĐ TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ bằng hình thức chuyển khoản hoặc tặng quà trực tiếp. Nhưng thương nhất là các lao động nữ trong các khu cách ly tập trung, nhiều chị mang theo con nhỏ nên LĐLĐ TP quyết định tặng sữa cho các cháu, nhu yếu phẩm cho các chị" - bà Nhung cho hay. Đoàn đã đến tặng nhu yếu phẩm cho 31 nữ công nhân đang bị cách ly tập trung tại phường Long Thạnh Mỹ, Đại học Quốc gia TP, Trường Đại học Văn hóa TP và Trường Cao đẳng Công Thương TP.
Dù không được gặp mặt nhưng thông qua cán bộ y tế, bà Nhung đã hỏi thăm tình hình sức khỏe và tìm hiểu cặn kẽ nhu cầu của NLĐ tại khu cách ly để tiếp tục hỗ trợ. Nhận được phần quà ấm áp của LĐLĐ TP Thủ Đức, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, công nhân Công ty CP BKG Holding, đã gọi điện thoại đến bà Nhung để bày tỏ lòng cảm ơn đối với tình cảm mà tổ chức Công đoàn dành cho NLĐ trong lúc khó khăn nhất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-6
Ủng hộ 1,5 tỉ đồng mua vắc-xin cho người lao động
Sáng 18-6, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức tiếp nhận kinh phí mua vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 cho NLĐ từ 2 đơn vị là Công đoàn Đại học Quốc gia TP và Công đoàn Trường Đại học Tài chính - Marketing TP. Dịp này, Công đoàn Đại học Quốc gia TP đã ủng hộ gần 385 triệu đồng, Công đoàn Trường Đại học Tài chính - Marketing ủng hộ 300 triệu đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, 2 đơn vị đã vận động đoàn viên, NLĐ ủng hộ một ngày lương cho Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19.
Trước đó, thông qua LĐLĐ TP, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín và Công ty CP Tập đoàn Richard đã ủng hộ 800 triệu đồng kinh phí mua vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 cho NLĐ.
H.Đào
Bình luận (0)