Hôm nay (23-2), tại TP HCM, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) tổ chức hội thảo "Giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân - lao động (CNLĐ)". Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước và LĐLĐ 9 tỉnh, thành nơi CEP triển khai hoạt động. Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho đề án "CEP tham gia cùng tổ chức Công đoàn phòng chống tín dụng đen trong CNLĐ", góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của CNLĐ có thu nhập thấp.
Nhiều công nhân gặp khó khăn về tiền bạc
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 30% CN luôn gặp khó khăn về tiền bạc. Vì vậy, chuyện họ phải tìm đến tín dụng đen là khó tránh.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của CNLĐ cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn.
Công nghệ phát triển đã tạo điều kiện để tín dụng đen tiếp cận người vay nhanh hơn thông qua các app cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao, thậm chí tới 800%/năm. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, trong đó có CNLĐ. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến tín dụng đen còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ Công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ CNLĐ.
Điển hình tại một doanh nghiệp (DN) ở KCN Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai, để đòi nợ CN, các đối tượng cho vay nặng lãi đã bêu xấu các cán bộ Công đoàn, thậm chí cả người thân của họ lên trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích khủng bố tinh thần, gây áp lực hòng đòi tiền. Nguyên nhân do có nhiều CN của công ty vay tín dụng đen bên ngoài với số tiền từ 30 - 50 triệu đồng nhưng mất khả năng chi trả.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên - lao động, bảo vệ cán bộ Công đoàn, giúp yên tâm lao động sản xuất, công tác, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tháng 8-2022, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn gửi các cấp Công đoàn đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nhất là ở những nơi có đông CNLĐ.
Theo đó, các cấp Công đoàn cần tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để CNLĐ biết, cảnh giác và tố giác; không để tín dụng đen tiếp cận CNLĐ. Với những DN có đông CNLĐ, Công đoàn cần phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền nhằm giúp họ hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn tín dụng đen để chủ động phòng ngừa.
"Các cấp Công đoàn cần tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên - lao động như tiền lương, thưởng, bữa ăn giữa ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên - lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn" - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu lưu ý.
Nhân viên tín dụng CEP tư vấn và phát vay cho khách hàng công nhân. (Ảnh do CEP cung cấp)
CEP: Điểm tựa tin cậy của người nghèo
Là đơn vị trực thuộc tổ chức Công đoàn, trong nhiều năm qua, CEP đã luôn tích cực thực hiện nhiệm vụ tham gia cùng Tổng LĐLĐ Việt Nam trong chương trình phòng chống tín dụng đen trong CNLĐ.
CEP tiền thân là Quỹ Trợ vốn cho người lao động (NLĐ) nghèo tự tạo việc làm, là tổ chức phi lợi nhuận, do LĐLĐ TP HCM sáng lập và được UBND TP HCM ra quyết định thành lập năm 1991. Trong suốt hơn 31 năm hoạt động, CEP luôn kiên định với sứ mệnh nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 460 triệu đồng, đến nay CEP đã phát triển hơn 6.340 tỉ đồng cùng mạng lưới 36 chi nhánh tại TP HCM và 9 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL.
Năm 2022, dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến hoạt động của tổ chức, tập thể cán bộ, nhân viên CEP đã nỗ lực phục hồi hoạt động, kiên trì mang nguồn vốn ưu đãi đến CN và NLĐ, giúp khách hàng phục hồi các hoạt động tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Đến tháng 1-2023, có hơn 337.000 CN và NLĐ đang được hỗ trợ vốn vay từ CEP với tổng dư nợ trên 5.538 tỉ đồng. Cùng với việc cung cấp sản phẩm tín dụng và tiết kiệm, CEP luôn phối hợp với Công đoàn các cấp, chính quyền địa phương triển khai những hoạt động phát triển cộng đồng nhằm cải thiện an sinh cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Qua hơn 31 năm hoạt động, CEP đã thực hiện xây, sửa 1.080 mái nhà, tặng 376.540 suất học bổng, quà học tập và nhiều hoạt động khác thuộc chương trình phát triển cộng đồng với tổng kinh phí hơn 262 tỉ đồng. Riêng năm 2022, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, CEP đã triển khai chương trình giáo dục tài chính, tuyên truyền tác hại của tín dụng đen nhằm giúp CN, NLĐ chủ động phòng tránh; tổ chức 11 chuyến xe "CEP - Chia sẻ yêu thương, cùng CN và NLĐ vượt khó do COVID-19" hỗ trợ thiết thực cho CN và NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN, Tổng Giám đốc CEP:
Tận tâm với khách hàng
Điểm khác biệt lớn nhất của CEP là mô hình hoạt động, là sự gắn bó sâu sát, tận tâm với khách hàng CNLĐ nghèo. Từ ngày đầu thành lập, CEP đã vận dụng sáng tạo mô hình Ngân hàng Grameen (Bangladesh). Đối tượng phục vụ của CEP là người nghèo và người có thu nhập thấp, được tổ chức theo nhóm, cụm trên cùng địa bàn sinh sống hoặc nơi làm việc, cùng san sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau. CEP cung cấp dịch vụ đến tận tay CNLĐ nghèo và không thu bất kỳ khoản phí nào. Phương thức hoàn trả hằng tuần, tháng cùng với khoản tiết kiệm nhỏ phù hợp với CNLĐ nghèo.
Bình luận (0)