Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH, không đồng ý tiếp thu đưa vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi nội dung trên. Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đề xuất trên không phù hợp với định hướng của Trung ương về tuổi nghỉ hưu, nguyên lý của chế độ hưu trí.
Theo cơ quan soạn thảo, chế độ hưu trí hay còn được gọi là chế độ bảo hiểm tuổi già là một trong các chế độ của chính sách BHXH nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).
Theo nguyên lý và thông lệ các nước khi xây dựng chế độ hưu trí đều quy định người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng BHXH. Quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của người lao động, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối quỹ BHXH trong dài hạn.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.
Quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Hồi đầu năm, góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, BHXH Việt Nam đề xuất chính sách áp dụng cho lao động nữ đóng trên 30 năm BHXH, nam trên 35 năm khi có yêu cầu được nghỉ và hưởng lương hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định chung, không bị trừ tỷ lệ lương hưu. Tuy nhiên sau đó, BHXH Việt Nam cũng đã rút lại đề xuất nói trên.
Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình mỗi năm thêm ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Trong khi đó Luật BHXH hiện hành quy định lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm BHXH, nữ đủ 30 năm.
Nếu đóng thừa thời gian, lao động nhận một khoản trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm thừa.
Bình luận (0)