Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Theo điều 43 Luật Việc làm, các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Mặt khác, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an Nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Căn cứ các quy định trên, công chức không ký HĐLĐ hay hợp đồng làm việc nên không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cũng không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, khi bà Đào nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bình luận (0)