Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động có bài viết "Nút thắt là tuổi nghỉ hưu" và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc Lê Văn Hiệp nhận xét: "Tôi thấy Báo Người Lao động đang phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của người lao động, các cấp các ngành cần phải lắng nghe để xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn. Lao động nữ đóng 30 năm, nam đóng 35 năm là được nghỉ hưu, ai còn sức khỏe thì tiếp tục tham gia và khi về hưu được trả những năm đã đóng dư".
Một bạn đọc giấu tên bức xúc: "Có doanh nghiệp nào muốn thuê công nhân làm việc trên 45 tuổi, vì tuổi này năng suất lao động kém rồi nói chi tới 50 tuổi, 55 tuổi hay 60 tuổi. BHXH quy định tuổi nghỉ hưu là 60 với nữ 62 với nam nhưng ai bảo đảm được việc làm cho người lao động đến tuổi đó không. Nếu có đi nữa thì có bao nhiêu người lao động ngoài nhà nước đủ sức khỏe để làm việc tới cái tuổi nghỉ hưu kia khi mà điều kiện chăm sóc y tế, thu nhập, sinh hoạt, giải trí và quan trọng là điều kiện làm việc có bảo đảm đủ sức khỏe làm việc tới tuổi quy định kia không, ví như công ty giày da công nhân toàn làm việc đứng trong môi trường nhà tôn, quạt công nghiệp". Bạn đọc này cũng cho rằng BHXH chỉ nên quy định tuổi lao động phải đóng BHXH bắt buộc, còn việc nghỉ hưu BHXH nên căn cứ vào số năm đóng BHXH, đủ năm đóng BHXH thì được nghỉ hưu bất kể là bao nhiêu tuổi. Mức trần lương hưu khi đủ năm đóng BHXH bao nhiêu do BHXH thiết kế, và nếu người lao động đóng thêm BHXH thì cứ cộng tỉ lệ % lương và số năm được hưởng lương hưu lên".
Bạn đọc Ngô Minh Tiến bày tỏ: "Không nên qui định tuổi nghỉ hưu, ai đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hướng ít và chỉ qui định mức năm tối thiểu phải đóng BHXH để được hưởng lương hưu thôi". Một bạn đọc tên Tuấn góp ý: "Theo tôi thì ban soạn thảo sửa Luật BHXHlần này nên đưa vấn đề là thay đổi tuổi nghỉ hưu của người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước thì nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi đóng BHXH bắt buộc liên tục 20 năm trở lên thì ai có nguyện vọng nghỉ hưu để hưởng lương hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu vì những đối tượng này thường là lao động trực tiếp nên sức khỏe thường là giảm sút".
Với bạn đọc Phạm Hải Đăng, cần có cơ chế để giữ việc phù hợp sức khỏe (thu nhập thường xuyên) cho người lao động khi tuổi ngoài 40, để họ vừa có thu nhập, vừa duy trì đóng BHXH, hơn là cứ đi tìm cách để người lao động từ bỏ BHXH. Đó là cái gốc của mọi vấn đề. Bạn đọc Phùng Phước Khang chất vấn: Tại sao không giảm tuổi nghỉ hưu mà cứ giảm số năm đóng bảo hiểm. Tuổi hưu càng cao thì người rút bảo hiểm 1 lần sẽ càng tăng". Với bạn đọc tên Châu, không cần quy định tuổi nghỉ hưu, cứ đóng đủ 20 năm thì cho hưởng lương hưu là hợp lý nhất. Tương tự, một bạn đọc tên Quang bày tỏ: "Tôi thiết nghĩ sẽ không có bao nhiêu người tham gia BHXH ở tuổi 45-47. Nguyên tắc của BHXH là đóng hưởng nên đóng ít hưởng ít. Luật nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu đi, ai đóng BHXH đủ 20 năm là có quyền được nghỉ hưu, ai đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng thêm nhiều năm để hưởng mức lương hưu tối đa. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến của người lao động để có những quyết sách phù hợp tránh tình trạng ngày càng nhiều người rút BHXH một lần khi đó chính sách an sinh xã hội ngày càng khó đạt được.
Bình luận (0)