Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc. huyện Củ Chi, TP HCM)
Nên sửa điều 60
Không ai phủ nhận điều 60 Luật BHXH là chính sách ưu việt, tiến bộ song việc một bộ phận người lao động (NLĐ) ngừng việc tập thể phản đối điều luật này trong thời gian qua cho thấy quy định vẫn còn bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Trước nguyện vọng của tuyệt đại đa số NLĐ, theo ý kiến của cá nhân tôi, Quốc hội nên xem xét, sửa đổi điều 60 theo hướng cho NLĐ có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu.
Ông Vũ Thế Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn Anh Quốc; tỉnh Bình Dương)
Giải quyết thấu đáo nguyện vọng công nhân
Qua khảo sát, số đông NLĐ không đủ thời gian hưởng lương hưu đều có nguyện vọng nhận ngay trợ cấp BHXH một lần. Thực tế, đây là khoản tiền đáng kể giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt sau khi nghỉ làm việc, do vậy việc cho họ nhận trợ cấp BHXH một lần như trước đây là cần thiết, phù hợp với thực tiễn cuộc sống NLĐ. Hàng chục triệu công nhân lao động cả nước đang theo dõi sát sao việc xem xét sửa đổi điều 60 và tôi nghĩ Quốc hội nên sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho NLĐ lựa chọn hình thức thụ hưởng
Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch trưởng phòng Nhân sự Công ty Hansae Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc, huyện Củ Chi, TP HCM)
Phải phù hợp thực tiễn
Từ những bức xúc của NLĐ xung quanh việc không được nhận trợ cấp một lần theo quy định mới của Luật BHXH năm 2104, theo ý kiến của cá nhân tôi, Quốc hội phải sửa điều 60. Thực tế, hiện nay đời sống NLĐ còn rất nhiều khó khăn, do vậy họ cần một số vốn kha khá để mưu sinh sau khi nghỉ việc. Nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng, do vậy tôi đề nghị xem xét bổ sung vào điều 60 cho phép NLĐ được hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó tổng giám đốc DNTN Lê Văn
Rộng quyền lựa chọn cho NLĐ
Điều 60 phù hợp với xu hướng của thế giới, khuyến khích NLĐ đóng để hưởng lương hưu, song lại vấp sự phản ứng của số đông NLĐ là điều Quốc hội cần phải xem xét một cách thấu đáo. Ai cũng mong muốn có lương hưu để ổn định cuộc sống khi về già song “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, do vậy không phải ai cũng có thể kiên nhẫn làm việc đến khi nghỉ hưu. Thử hỏi ở các ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, có mấy ai đủ sức khỏe để làm đến tuổi hưu. Do vậy, tôi kiến nghị Quốc hội sửa điều 60 theo hướng rộng quyền lựa chọn cho NLĐ.
Công nhân Công ty Tich Hanh trong giờ sản xuất Ảnh: THANH NGA
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty Giày da Tích Hanh (Quận Bình Tân, TP HCM):
90% CN mong muốn nhận trợ cấp một lần
Cùng lúc công nhân của Công ty Pou Yuen phản ứng về điều 60 Luật BHXH 2014, rất đông công nhân của công ty Giày da Tích Hanh cũng tìm đến Công đoàn (CĐ) để bày tỏ bức xúc, nhiều người còn yêu cầu dừng đóng BHXH vì họ cho rằng việc không được quyền lựa chọn cách hưởng như thế nào là vô cùng bất công. Sự việc chỉ “tạm lắng” khi nghe được lời hứa của lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH và CN được CĐ trấn an. Những ngày qua, chúng tôi luôn theo dõi diễn đàn Quốc Hội. Về tranh luận giữa việc sửa điều 60 hay ra Nghị quyết cho phép NLĐ sau 1 năm nếu hoàn cảnh khó khăn thì được hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu đóng BHXH để hưởng lương hưu, tôi cho rằng cần phải sửa dứt khoát. Tại công ty tôi hơn 90% CN mong muốn được lựa chọn cách hưởng, theo như tìm hiểu của tôi ở những công ty bạn thì đó cũng là nguyện vọng của số đông lao động chứ không phải tại một hay vài doanh nghiệp. Tôi thiết nghĩ, luật khi ban hành phải đáp ứng nhu cầu số đông đối tượng mà nó hướng tới, như vậy sửa điều 60 là hoàn toàn phù hợp. Mặt khác, việc ra Nghị quyết cho đối tượng khó khăn được hưởng cũng sẽ phát sinh vấn đề khó khăn như thế nào thì sẽ được hưởng? Một CN nhập cư đi làm CN cả chục năm trời, cuộc sống vẫn bấp bênh, không có chỗ ở ổn định, điều kiện sống vẫn thấp kém vậy có được xem là khó khăn không khi đó cũng là hoàn cảnh chung của đa số CN nhập cư tại TP HCM. Vì vậy, tôi cho rằng nếu Quốc hội đã xem xét đến việc để người lao động được lựa chọn thì hãy sửa luật thay vì ra Nghị quyết.
Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty Sanofi Aventis, quận 4, TP HCM
Luật phải đáp ứng nguyện vọng NLĐ
Thực tế không phải ai cũng đủ khả năng chờ đến nghỉ hưu và được lãnh lương hưu. TP HCM có đặc điểm là khu vực tập trung rất nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm việc. Và những lao động này đa số muốn kiếm một số tiền rồi trở về quê để làm ăn, sinh sống, họ không có nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH cũng như gắn bó lâu dài với TP. Vì thế, Quốc hội nên sửa đổi điều 60 theo hướng mở để người lao động được lãnh một lần hoặc tiếp tục bảo lưu đối với những ai có điều kiện. Điều này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phù hợp với tình tình thực tế hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, Công ty Freetrend- KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM
Tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động
Khi được tuyên truyền, phổ biến điều 60 của Luật BHXH năm 2014, tôi và rất nhiều CN tại công ty vô cùng ngỡ ngàng. Không được lựa chọn lãnh một lần hoặc bảo lưu đã gây khó khăn rất nhiều cho người lao động rất nhiều. Đa số CN đều muốn lãnh một lần để về quê làm ăn, sinh sống, lo cho con cái ăn học. Bên cạnh đó, nhiều CN cũng mong muốn được bảo lưu để lãnh lương hưu nhưng cách tính hưởng BHXH theo luật mới cộng dồn thời gian làm việc rồi chia đều cho cách năm thì lương hưu vô cùng thấp. Thử hỏi chúng tôi mòn mỏi chờ đợi để lãnh đồng lương hưu thấp thì làm sao đủ sống? Tôi đề xuất Quốc hội nên sửa đổi luật theo hướng tôn trọng ý kiến của người lao động, để chúng tôi được lựa chọn theo cách nào phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình!
Khi đời sống và việc làm của NLĐ còn bấp bênh thì mong muốn được nhận trợ cấp 1 lần để ổn định đời sống trước mắt là hết sức chính đáng Ảnh: CAO HƯỜNG
Bà Ngô Thị Kim Hiền, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH T&E (Quận Gò Vấp, TP HCM):
Phải để NLĐ lựa chọn
Tôi cho rằng việc không đồng thuận với điều 60 luật BHXH không chỉ xảy ra ở Công ty Pou Yuen mà còn là bức xúc của số đông NLĐ hiện nay. Với một nhà nước lấy dân làm gốc như nước ta thì Quốc hội nên tôn trọng ý kiến của người dân, do vậy nhất thiết phải sửa ngay điều 60 luật BHXH theo hướng để NLĐ có quyền lựa chọn. Khi mà kinh tế gặp khó khăn, đời sống và việc làm của NLĐ còn bấp bênh thì mong muốn được nhận trợ cấp 1 lần để ổn định đời sống trước mắt là hết sức chính đáng. Khi mà khó khăn trước mắt của NLĐ còn sờ sờ ra đó thì không thể bắt họ nghĩ đến việc an sinh khi về già. Hơn nữa, chỉ bản thân NLĐ mới hiểu rõ cuộc sống của mình, biết mình cần gì và cũng đủ chín chắn để biết lựa chọn nào là tối ưu cho mình. Do đó nên để NLĐ được lựa chọn, song song đó nhà nước có chính sách tuyên truyền hiệu quả để họ hiểu rõ hơn về những ưu việt của các chính sách, lúc đó không cần ép buộc bằng điều luật, NLĐ cũng sẽ tự tham gia.
Bình luận (0)