Theo đó, mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mục tiêu của việc này nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Từ 1-8, BHXH Việt Nam đã cấp sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) theo mã số BHXH. Đối với trường hợp có mã số BHXH, NLĐ chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc. Trường hợp không nhớ, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu quản lý. Trường hợp chưa có mã số BHXH, người tham gia sẽ kê khai lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu của BHXH. Thông qua mã số BHXH, người tham gia tự kiểm tra thông tin quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT.
Việc cấp thẻ BHYT, sổ BHXH theo mã số sẽ kiểm soát việc trốn đóng BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động. Cụ thể, đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Đối với đơn vị chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, khi NLĐ phát sinh chi phí khám chữa bệnh trong thời hạn thẻ BHYT hết giá trị sử dụng đơn vị sử dụng lao động phải chi trả, cơ quan BHXH thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh theo quy định sau khi đơn vị đã đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT.
Bình luận (0)