Mới đây, chúng tôi đã gặp lại Lâm Kim Bảo - cậu bé không cha đỗ cùng lúc 2 trường ĐH: Khoa học Tự nhiên và Y Dược TP HCM từng khiến nhiều người thán phục. Bảo đang là sinh viên năm thứ 5 chuyên ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Dược TP HCM. “Em có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh cao cả của mẹ. Cả đời mẹ không dám ăn ngon, mặc đẹp, tất cả đều dành cho con” - Bảo xúc động. Mẹ Bảo là chị Trần Thị Kim Ngân, công nhân (CN) Công ty CP Nhựa Tân Hóa thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Vượt lên mặc cảm
Ngày người đàn ông của mình bỏ đi, chị Ngân nhất quyết giữ lại cái thai dù cuộc sống vô vàn khó khăn và miệng đời dị nghị. Khi Bảo chào đời, chị đã khóc thật nhiều vì thương con sẽ vất vả với mẹ và vì từ đây, cuộc đời chị có niềm hạnh phúc mới. Lúc Bảo còn nhỏ, không ai trông con, có khi chị phải mang vào công ty để bé ngồi một bên. “May mà mấy anh chị thương hoàn cảnh một mẹ, một con không la mắng mà còn cho bánh, cho tiền” - chị kể.
Để có tiền lo cho con, chị Ngân phải lãnh hàng về nhà làm thêm, ngày nào cũng quá nửa đêm mới được ngủ. Thương mẹ vất vả, một buổi đi học, buổi còn lại Bảo phụ xếp giấy. Chưa một ngày học thêm nhưng 12 năm liền cậu là học sinh giỏi, thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong rồi sau đó đã đỗ vào 2 trường ĐH lớn tại TP HCM. Ngoài giờ đi học, Bảo còn đi dạy kèm để san sẻ gánh nặng với mẹ. Nhìn con trai trưởng thành, hiếu thảo, chị Ngân chỉ mong mình có đủ sức khỏe “để lo cho con ăn học nên người”.
Không có công sinh thành nhưng bà Dương Thị Mỹ, nhân viên bảo vệ Công ty CP Giấy Vĩnh Huê (TP HCM), đã có công dưỡng dục đứa cháu nên người khiến bạn bè, đồng nghiệp hết sức cảm phục. Năm 1991, đang làm CN trực tiếp ở xưởng giấy thì tai nạn xảy ra khiến bà mất 1/3 cánh tay trái. “Tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy cánh tay bị mất, tôi chỉ muốn chết vì nghĩ đời mình như vậy là chấm hết. Khi đó, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt và nói nếu tôi chết, bà cũng chết theo...” - bà nhớ lại.
Sau khi ra viện, được công ty nhận lại làm bảo vệ, bà Mỹ đã từ chối nhiều người muốn kết duyên với mình, sau đó quyết định nhận nuôi đứa con của người anh. Khi đó cháu mới 18 tháng tuổi, cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác. Nay con nuôi của bà Mỹ đã 30 tuổi, có công việc ổn định, hiếu thảo với mẹ. “Tôi chỉ mong cháu sớm lập gia đình, sinh một đứa cháu để tôi lên chức bà nội” - bà tâm sự.
Bao la tình mẹ
Vừa làm cha vừa làm mẹ là hoàn cảnh của chị Phạm Kim Oanh, trưởng ca bộ phận đóng gói sản phẩm Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam. Năm 2003, chồng chị đột ngột ra đi chỉ mấy tháng sau khi phát hiện bệnh hiểm nghèo.
Khi ấy, con gái lớn 13 tuổi, con gái út chỉ mới 7 tuổi, chị Oanh chới với, tưởng chừng không thể trụ vững. “Khi anh ấy nằm viện, tôi mới bắt đầu tập đi xe máy, thay chồng lo liệu mọi việc trong ngoài” - chị nhớ lại.
Thương con, thương chồng, chị Oanh biến nỗi đau thành nghị lực. Thời gian đó, đồng lương CN xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng, chị chật vật trang trải các khoản chi tiêu. Hằng tháng, tiền ăn, tiền học, tiền điện, tiền nước… bủa vây khiến chị không lúc nào thảnh thơi.
Công việc vất vả là vậy nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian đưa rước con, thăm nom cha mẹ 2 bên và làm nhiều công việc vốn dĩ là của chồng. Hai con trưởng thành, ngoan hiền là niềm an ủi lớn nhất của chị.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Oanh chưa bao giờ để chuyện riêng ảnh hưởng đến việc chung. Gắn bó với công ty 25 năm, chị chưa lần nào bị cấp trên chê trách. Không chỉ nghiêm túc, trách nhiệm, chị còn là tấm gương về tinh thần học hỏi. Ngoài giờ làm, chị sắp xếp thời gian học thêm tiếng Anh và học quản lý.
Chị Oanh khoe có “thâm niên” 10 năm làm tổ trưởng Công đoàn, 5 năm làm thủ quỹ Công đoàn. “Hoạt động đoàn thể giúp tôi bớt trống trải, có thêm niềm vui trong cuộc sống” - chị thổ lộ.
Chị Oanh đã lên kế hoạch cho mình khi về hưu là tham gia hoạt động từ thiện, đoàn thể tại địa phương để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. “Mẹ là niềm tự hào, là chỗ dựa vững chắc của tụi em. Hai chị em luôn bảo nhau phải cố gắng hơn nữa để san sẻ bớt gánh nặng trên vai mẹ” - Vũ Hoài Thảo My, con gái đầu của chị Oanh, bộc bạch.
Bình luận (0)