TAND TP HCM vừa xét xử phúc thẩm vụ anh Trần Xuân Trì (31 tuổi, quê Nghệ An) kiện Công ty CP SX Ninh Phát (huyện Bình Chánh, TP HCM), yêu cầu bồi thường những thiệt hại sau khi cánh tay phải bị mất trong một vụ tai nạn lao động (TNLĐ).
Phủi trách nhiệm với người lao động
Năm 2006, anh Trì rời miền quê nghèo khó để vào TP HCM với mong ước tìm kiếm cơ hội đổi đời. Chàng trai trẻ trải qua đủ thứ nghề rồi cuối cùng dừng bước lập nghiệp với nghề thợ máy. Tháng 9-2013, anh Trì được nhận làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty CP SX Ninh Phát. Sau thời gian thử việc, hai bên không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng anh Trì vẫn làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng, không có thêm các quyền lợi hay khoản bảo hiểm nào khác.
Ngày 5-2-2016, công ty cho toàn bộ công nhân (CN) nghỉ Tết. Tuy nhiên, do có một số máy móc cần sửa chữa nên ông Nguyễn Quang Vinh (con trai giám đốc công ty) yêu cầu anh Trì cùng 2 CN làm thêm một ngày. Anh Trì đồng ý ở lại làm việc và đến chiều thì xảy ra TNLĐ. Hậu quả làm anh phải cưa cánh tay phải, suy giảm 65% khả năng lao động. Theo anh Trì, công ty chỉ hỗ trợ viện phí, thuốc men cho anh là 14 triệu đồng và 4 hộp sữa rồi ra quyết định miệng cho nghỉ việc vào tháng 8-2016. Anh Trì đã nhiều lần làm đơn xin cứu xét đề nghị được hỗ trợ thêm nhưng phía công ty từ chối. Bức xúc trước cách hành xử thiếu trách nhiệm này, anh Trì khởi kiện ra TAND huyện Bình Chánh, yêu cầu công ty bồi thường hơn 200 triệu đồng cho các khoản thiệt hại do TNLĐ cũng như hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Anh Trần Xuân Trì trước phiên xử phúc thẩm
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10-2017, căn cứ vào bảng chấm công, TAND huyện Bình Chánh cho rằng anh Trì làm việc liên tục tại công ty hơn 1 năm, do vậy việc công ty nói anh không phải là nhân viên là không có cơ sở. Ngoài ra, tòa xác định việc công ty không ký HĐLĐ với anh Trì là vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại cho rằng anh Trì không đủ điều kiện để được bồi thường TNLĐ. Cụ thể, công ty đã ngừng hoạt động và cho CN nghỉ trước khi xảy ra tai nạn. Trắng trợn hơn, công ty cho rằng anh Trì (cùng 2 CN khác) đã tự ý vào xưởng vận hành máy để rồi xảy ra tai nạn. Trong khi đó, dù anh Trì và 2 người làm chứng cho rằng đã vào xưởng vận hành máy theo yêu cầu của ông Vinh nhưng không được phía bị đơn thừa nhận. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, anh Trì không chứng minh được ông Vinh là người có chức vụ, quyền hạn gì trong công ty. Từ đó, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của anh Trì nên anh kháng cáo.
Cho thêm là vì tình người?
Ngồi thẫn thờ trước cửa phòng xử, anh Trần Xuân Trì cho biết mình đã từng tuyệt vọng, mất niềm tin khi tòa tuyên án sơ thẩm. Thế nhưng, khi được người thân, đồng nghiệp và luật sư động viên, anh quyết định theo đuổi đến cùng vụ kiện. Anh cho biết từ ngày bị tai nạn và mất việc, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. "Vợ con tôi đi làm ở Bình Dương, còn tôi được người quen thương tình cho làm bảo vệ ở một công ty để có đồng ra đồng vô. Chứ tàn tật như tôi giờ đi làm gì cũng khó, dễ gì người ta nhận" - anh Trì chua chát nói.
Tại phiên phúc thẩm lần này, anh Trì đồng ý rút đơn kiện nếu như phía công ty chịu bồi thường 200 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Công Khánh - đại diện ủy quyền cho bà Phạm Thị Định (Giám đốc Công ty Ninh Phát) - lại cho rằng: "Bồi thường bao nhiêu tiền cũng không thể bù đắp cánh tay đã mất nhưng công ty cũng có khó khăn riêng. Bản thân tôi cũng thương anh Trì như con và đã xin hỗ trợ 40 triệu đồng vì tình người…".
Nghe phía bị đơn trình bày, chủ tọa phiên tòa bày tỏ thất vọng. "Ông là đại diện ủy quyền của bị đơn và hoàn toàn có thể đưa ra quyết định. Hoàn cảnh người ta rất khó khăn. Ông nói thương nguyên đơn như con nhưng sao không bồi thường thích đáng cho người ta chạy chữa thuốc men, ổn định cuộc sống?". Kiên trì hòa giải hơn 10 phút, tòa cho phép ông Khánh gọi điện thoại cho bà Định để tham khảo ý kiến. Tuy nhiên, người được đại diện ủy quyền này vẫn khăng khăng công ty chỉ có thể bồi thường 40 triệu đồng. "CN bị TNLĐ thì mình phải có trách nhiệm. Công ty đã bồi thường chi phí thuốc men, phần 40 triệu đồng là công ty cho thêm vì "tình người" - ông Khánh nói.
Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP HCM), người bảo vệ quyền lợi cho anh Trì, bày tỏ: "Anh Trì vô Nam lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Mất một cánh tay không chỉ là mất mát về thể xác mà còn là tinh thần. Vậy mà phía công ty chỉ chấp nhận bồi thường 40 triệu đồng thôi sao?". Ông Ý cũng cho rằng bản án sơ thẩm đã xem xét không toàn diện yêu cầu của thân chủ và đề nghị HĐXX xem xét sửa toàn bộ án sơ thẩm, tuyên phía bị đơn phải bồi thường gần 390 triệu đồng. Trong đó, bồi thường 141 triệu đồng thiệt hại do TNLĐ (suy giảm 65% khả năng lao động), hơn 56 triệu đồng chế độ TNLĐ và hơn 191 triệu đồng bồi thường cho khoảng thời gian mất việc do bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao cho TAND huyện Bình Chánh để thu thập thêm chứng cứ, xét xử lại.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Theo HĐXX, cấp sơ thẩm đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, như chưa xem xét giải quyết đầy đủ các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Vinh dù không có chức vụ, quyền hạn trong công ty nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo doanh nghiệp (con giám đốc công ty). HĐXX cho rằng nếu ông Vinh điều động anh Trì và các CN làm việc thì ông này phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại không triệu tập ông này trong quá trình xét xử.
Bình luận (0)