xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ công đóng đàn

Bài và ảnh: NGUYỄN LUÂN

Tâm huyết với nghề đã giúp anh Nguyễn Văn Nguyên gìn giữ nghề làm đàn guitar truyền thống của gia đình

Khó có thể biết chính xác nghề làm đàn ở Sài Gòn hình thành từ khi nào. Trải qua bao thăng trầm, nghề làm đàn vẫn trụ vững và phát triển bởi tâm huyết của những người thợ, như một giá trị văn hóa truyền thống giữa lòng TP HCM năng động. Cơ sở Ba Đờn (320/29 Độc Lập, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM) của gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên là một trong những nơi có bề dày truyền thống làm đàn guitar tại thành phố.

Con nhà nòi

Ghé xưởng làm đàn của cơ sở Ba Đờn, chúng tôi cảm nhận được tinh thần làm việc hăng say và nghiêm túc của những người thợ nơi đây. Mỗi người một khâu, ai cũng hết sức chăm chút và tỉ mỉ. Chăm chú quan sát thợ làm việc, thỉnh thoảng anh Nguyên lại đến uốn nắn thao tác cho từng người. Ngơi tay một chút, ông chủ trẻ cao hứng ôm đàn chơi một bản nhạc để xả stress trong ánh mắt thán phục của cánh thợ.

Anh Nguyên và cây đàn guitar vừa đóng hoàn chỉnh
Anh Nguyên và cây đàn guitar vừa đóng hoàn chỉnh

Cha ruột anh Nguyên là ông Nguyễn Văn Trân - còn gọi là Ba Đờn, một nghệ nhân làm đàn guitar nổi tiếng ở Sài Gòn trong thập niên 1960. Được cha truyền nghề từ năm lên 10 tuổi, cậu bé Nguyên chịu không ít áp lực về tâm lý khi mang tiếng là con gà nòi. Tuy nhiên, được cha và các anh chị động viên, với bản tính sáng dạ, chịu khó học hỏi nên Nguyên sớm cởi bỏ được gánh nặng tâm lý. Hiểu được sự kỳ vọng của gia đình, Nguyên rất chú tâm học nghề. Mang tiếng là con của chủ song Nguyên không ngần ngại làm thợ sai vặt, chỉ mong hấp thụ hết tinh hoa nghề nghiệp từ cha và các bậc cao niên.

Thấy con chí thú, ông Trân đã truyền thụ những tuyệt kỹ trong nghề làm đàn. Mỗi lần phát hiện Nguyên thực hiện sai thao tác, ông liền nhắc nhở, uốn nắn. Sự nghiêm khắc của cha cùng tinh thần cầu tiến của bản thân đã giúp Nguyên hoàn thiện được kỹ năng nghề.

“Nghề làm đàn coi vậy chứ kén người. Mỗi công đoạn có độ khó khác nhau, người thợ buộc phải làm thuần thục và biết cách đứng dậy sau thất bại. Nếu tự ái khi bị cha la rầy, tôi khó có thể trưởng thành” - anh Nguyên nhớ lại. Sự dìu dắt đong đầy tình thương và trách nhiệm của cha đã giúp Nguyên từ một thợ học việc trở thành thợ cả chỉ trong thời gian ngắn.

Xây dựng uy tín thương hiệu

“Việc đóng đàn khá phức tạp và đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, từ các khâu lấy cỡ, đo ni, đóng phím đến thiết kế lỗ thoát âm đều phải làm thật kỹ lưỡng, bảo đảm độ chính xác cao. Bên cạnh đó, phải biết cách chọn thứ gỗ nào cho từng loại đàn để khi hoàn chỉnh, âm thanh phát ra đạt được yêu cầu của người chơi. Quan trọng nhất là phải để tâm vào công việc, không được lơ là” - anh Nguyên bộc bạch.

Nguyên liệu làm đàn gồm nhiều loại gỗ khác nhau như thông, hồng đào, điệp, cẩm lai… và mỗi loại chỉ thích hợp cho một công đoạn tương ứng. Do vậy, theo anh Nguyên, việc chọn nguyên liệu làm đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng âm thanh. Từ kinh nghiệm được cha truyền lại, anh Nguyên rất khắt khe trong việc chọn nguồn nguyên liệu sản xuất. Các loại gỗ tạp, không bảo đảm chất lượng sẽ bị loại bỏ từ đầu.

“Tùy bộ phận, các loại gỗ khác nhau sẽ được chọn làm nguyên liệu chính, song để làm mặt trước, mặt sau và hông đàn, nhất thiết phải chọn loại gỗ thông và hồng đào” - anh Nguyên tiết lộ.

Để sản xuất một cây đàn hoàn chỉnh phải trải qua 40 công đoạn, từ khâu đóng hông, vô mặt (trước và sau) đến dán chỉ viền, ráp cần, dán ngựa, dán chỉ trong, ráp trục, đóng phím, chỉnh âm… Trong đó, khâu đóng thùng đóng vai trò quyết định bởi điều này liên quan đến chất lượng âm thanh của đàn. Thợ đóng thùng phải là người có tay nghề cao, đặc biệt là khả năng cảm âm tốt.

Theo anh Nguyên, ngoài đam mê nghề nghiệp, kiên nhẫn là tố chất bắt buộc ở thợ. Thợ càng kỹ tính thì chất lượng sản phẩm càng bảo đảm. Tận mắt chứng kiến anh truyền đạt kinh nghiệm cho thợ trẻ, chúng tôi cảm nhận được phần nào tâm huyết ấy.

Khắt khe với bản thân và biết cách hun đúc lửa nghề cho thợ trẻ là cách anh Nguyên giữ chữ tín trong nghề. Sản phẩm của cơ sở Ba Đờn vì thế luôn được khách hàng đánh giá cao, nhất là chất lượng âm thanh và độ bền. Mỗi tháng, cơ sở Ba Đờn cung cấp cho thị trường 6.000-7.000 cây đàn - một con số kỷ lục. Với giá mỗi cây đàn từ 700.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng, gia đình anh có thể an tâm gắn bó lâu dài với nghề. 

“ Gia đình tôi có 7 anh chị em và tất cả đều theo đuổi nghề làm đàn. Dù khó khăn đến mấy, anh em tôi vẫn cố gắng bám trụ để giữ cho được cái nghề truyền thống của gia đình” - anh Nguyên khẳng định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo