“Khi tuyển dụng, công ty bảo làm việc từ 3-6 tháng sẽ được xét ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), tham gia BHXH. Nhưng chúng tôi làm việc tại công ty, người ít thì 8 tháng, người nhiều thì gần 3 năm vẫn chưa được ký HĐLĐ. Khi thắc mắc thì công ty bảo chờ đến đợt, vậy mà chúng tôi chờ cả năm chẳng thấy động tĩnh gì…”. Đây là khiếu nại của một số công nhân (CN) đang làm việc tại Công ty TNHH U.P (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) gửi đến Báo Người Lao Động.
Né hợp đồng lao động
Anh T., một trong các CN, cho biết anh vào làm việc tại công ty từ tháng 8-2013, đến nay vẫn chưa được ký HĐLĐ. Trong hơn một năm làm việc, anh T. đã tận mắt chứng kiến 2 vụ tai nạn lao động làm 2 CN bị cắt mất 3-4 ngón tay. Dù mọi chi phí thuốc men cho người bị tai nạn đều do công ty lo liệu, khi hồi phục vẫn được công ty sử dụng nhưng điều đó cũng không thể khiến anh T. yên lòng. “Không có HĐLĐ, chẳng có gì ràng buộc, công ty có thể cho những CN bị tai nạn nghỉ bất cứ lúc nào nếu muốn. Khi ấy với bàn tay chỉ còn 1 ngón, liệu có nơi nào chịu nhận những CN bị tai nạn ấy vào làm việc không?” - anh T. lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khang, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty TNHH U.P, thừa nhận hiện công ty có khoảng 30 CN trên tổng số gần 200 CN chưa được ký HĐLĐ. Theo ông Khang, đối với nhân viên nghiệp vụ, kỹ thuật, lao động có tay nghề cao, nếu đạt yêu cầu, công ty sẽ ký HĐLĐ ngay sau khi thử việc 1-2 tháng. Còn với lao động phổ thông do nhiều người “đứng núi này trông núi nọ” nên công ty phải kéo dài thời gian thử thách. Theo đó, sau 6 ngày làm thử, CN nào đáp ứng yêu cầu sẽ được tiếp tục thử việc 3 tháng. Sau 3 tháng, công ty đánh giá năng lực một lần nữa để xét ký HĐLĐ và việc xét ký HĐLĐ cho CN sẽ diễn ra mỗi quý một lần.
“Công ty nói thế thôi chứ tôi vào làm từ tháng 4-2014 đến nay đã hơn 2 quý mà chẳng thấy họ xét ký HĐLĐ mới cho ai cả” - nữ CN tên C. cho biết. Trước phản ánh của CN, ông Khang chống chế: “Tháng 6, tháng 7 hằng năm là thời gian CN nhảy việc nhiều nhất; chỉ đến cuối năm, tình hình lao động mới ổn định. Do đó, vào khoảng tháng 11 và 12 hằng năm, công ty sẽ xét ký HĐLĐ với những CN có năng lực nhằm tránh tình trạng thất thoát, biến động lao động đầu năm”.
Rao một đằng, làm một nẻo
Trong thông báo tuyển dụng treo trước cửa Công ty TNHH J-Tex Vina (quận 9, TP HCM) rao tuyển 300 CN may với mức lương 3.045.000 đồng/tháng chưa kể phụ cấp tay nghề, chuyên cần, nhà ở, đi lại, tiền thưởng xếp loại trong tháng. Công ty còn cam kết thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Thế nhưng, khi hết hạn thử việc, CN yêu cầu được ký HĐLĐ thì công ty trả lời chỉ tuyển làm thời vụ.
Chị Loan, một CN, cho biết: “Khi phỏng vấn xin việc, công ty hứa sau 1 tháng thử việc, nếu tôi đáp ứng yêu cầu sẽ ký HĐLĐ. Đến hẹn, tôi hỏi về vấn đề ký HĐLĐ thì công ty bảo từ từ xem xét. Nhưng một thời gian sau, khi tôi và các CN khác hoàn tất lô hàng được giao, công ty cho chúng tôi nghỉ việc với lý do chúng tôi chỉ là CN thời vụ, làm hết hàng thì nghỉ. Trước khi cho nghỉ, công ty còn “cẩn thận” yêu cầu CN tự viết đơn xin thôi việc thì mới được trả lương”.
Chiêu sử dụng lao động làm việc lâu dài nhưng chỉ ký hợp đồng thời vụ là cách làm phổ biến tại nhiều doanh nghiệp hiện nay nhằm né khoản tiền đóng BHXH và tiết kiệm chi phí. Công ty TNHH T.O (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng không ngoại lệ. Công ty sử dụng khá nhiều lao động dưới 18 tuổi và trên 45 tuổi nhưng chỉ được ký hợp đồng thời vụ với lý do người lao động chưa đủ tuổi hoặc quá tuổi lao động. Chị Hương, một CN thời vụ làm việc 6 tháng tại Công ty TNHH T.O, cho biết: “Để tránh việc bị phát hiện, mỗi lần có đoàn kiểm tra đến, chúng tôi phải trốn trong nhà vệ sinh hoặc được công ty cho về sớm”.
Đã xác lập quan hệ lao động
Tại buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH J-Tex Vina mới đây, ông Lý Nguyễn Minh Phúc - cán bộ LĐLĐ quận 9 - khẳng định: Hết thời gian thử việc mà người lao động vẫn làm việc bình thường dù công ty chưa ký HĐLĐ thì giữa 2 bên đã xác lập quan hệ lao động. Công ty cho người lao động nghỉ việc vì lý do hết hàng là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Bình luận (0)