xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Làm không được thì nghỉ!”

Bài và ảnh: Đức Minh

Người quản lý, lãnh đạo giỏi là người biết làm cho người lao động gắn bó, xem công ty là ngôi nhà thứ hai của mình

“Anh làm bao nhiêu năm? Lương anh được bao nhiêu?”, “Tôi làm gần 10 năm, lương được gần 4 triệu đồng/tháng”; “Chị làm bao nhiêu năm? Tiền lương được bao nhiêu?”, “Tôi làm hơn 10 năm, tiền lương cũng nhiêu đó”; “Anh làm được mấy năm? Tiền lương được bao nhiêu?”, “Tôi làm hơn 2 năm, tiền lương hơn 2,6 triệu đồng/tháng”. Đây là phần đối đáp giữa các nhà báo với anh chị em công nhân (CN) một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại KCX Tân Thuận, TP HCM sáng 10-1.

Vắt chanh bỏ vỏ

Mấy hôm nay, CN ở đây phản ứng vì công ty tăng lương tối thiểu theo kiểu cào bằng, đối phó. Theo đó, công ty chỉ nâng lương tối thiểu cho những CN có mức lương thấp hơn 2,7 triệu đồng/tháng; còn CN nào đang hưởng lương cao hơn thì không được tăng. Sau khi CN phản ứng, ngồi tại chỗ không làm việc, công ty cho biết sẽ tăng đều mỗi người 350.000 đồng nhưng không đưa vào lương cơ bản mà chỉ đưa vào phụ cấp. Nhiều CN cho biết công ty thưởng Tết 1 tháng lương cơ bản, nếu tăng lương mà không đưa vào lương thì trước mắt sẽ ảnh hưởng đến tiền thưởng Tết. Kế đó là các chế độ thực hiện theo lương cơ bản như trợ cấp thôi việc, ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp… cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Ai làm được thì làm, không làm được thì nghỉ” - đại diện công ty lạnh lùng trả lời kiến nghị của CN.

 

Công nhân một doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận, TP HCM tập trung kiến nghị sửa đổi chính sách tiền lương
Công nhân một doanh nghiệp tại KCX Tân Thuận, TP HCM tập trung kiến nghị sửa đổi chính sách tiền lương

 

“Người ta mở miệng ra thì luôn nói coi người lao động (NLĐ) là vốn quý; xin lỗi, coi như cỏ rác thì có” - một nam CN không kìm được bức xúc. Điều nghịch lý ở công ty này là CN muốn được tăng ca thì phải đáp ứng một số điều kiện như phải hoàn thành 75%, 80%... định mức lao động! Chúng tôi hỏi CN vì sao lại có chuyện ngược đời như vậy thì được trả lời: Công ty đưa ra định mức cao ngất ngưởng, không CN nào thực hiện nổi nên trước đây có quy định nếu hoàn thành 60% thì được tăng ca. Do đơn giá quá thấp nên CN phải cố gắng hoàn thành chỉ tiêu để được tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Sau đó khi CN đã đạt được mức 60% thì công ty lại nâng lên 70%, 75%... tùy theo đó là CN lâu năm hay mới vào nghề. Một nữ CN nói với chúng tôi: Ngoài chuyện lương thấp, CN còn bị chèn ép đủ điều, hở ra là bị lập biên bản, xử lý kỷ luật, cắt tiền thưởng.

Thấy “ứa gan” nên cho nghỉ!

“Cho tụi nó nghỉ hết để nhận người mới vào, dễ sai, dễ bảo hơn chứ tụi này làm lâu năm cứng đầu lắm”. Đây là trả lời của bà N.T.K.D - phó giám đốc một công ty ở quận 3, TP HCM - khi đề cập khiếu nại của NLĐ. Giám đốc công ty ra quyết định miệng cho nghỉ việc cùng lúc 12 nhân viên bán hàng với lý do “dám ngồi uống cà phê với thằng đó ngay trước cổng công ty”.

Theo xác minh của chúng tôi, “thằng đó” là L.Q.H, nguyên trưởng phòng kinh doanh của công ty. Do bất mãn cách hành xử của ban giám đốc nên anh H. đã nộp đơn xin nghỉ việc. Dù đã nghỉ việc nhưng theo thói quen, sáng nào anh cũng uống cà phê ở quán cóc trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3. Anh em, bạn bè cũ của H. cũng kéo nhau ra uống cà phê, tán chuyện trước khi bắt đầu một ngày làm việc.

Khổ nỗi, quán cà phê đó nằm ngay đường ra vô của giám đốc, thấy anh em tụ tập, nghĩ họ nói xấu mình, giám đốc “ứa gan” nên nói thẳng trong cuộc họp: “Ai còn uống cà phê ở đó nữa thì tôi đuổi”. Anh H. cho biết: “Thấy lời đe dọa của giám đốc chẳng trúng đâu vào đâu nên anh em nhân viên phớt lờ. Và ngày 4-1 vừa qua, giám đốc lệnh cho bảo vệ “cấm cửa” 12 nhân viên trong “danh sách đen” hằng ngày ngồi uống cà phê với tôi. Họ hành xử hết sức nhỏ nhặt và trẻ con”. Còn bà K. D. thì thách thức: “Muốn kiện hả? Thì cứ kiện đi, chúng tôi sẵn sàng đi hầu”. 

Bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Nguồn lực Việt:

Gây hại nhiều hơn nếu bất mãn

Người quản lý, lãnh đạo giỏi là người biết làm cho NLĐ xem công ty là nhà; thậm chí khi đã nghỉ việc, họ cũng chỉ nói những điều tốt đẹp về doanh nghiệp. Ngoài lương bổng, phúc lợi thì cách đối xử rất quan trọng. Tôi đã từng thấy có người chỉ vì cách hành xử có tình, có nghĩa, có văn hóa của lãnh đạo mà khi công ty khó khăn đã sẵn sàng giảm lương, làm thêm giờ mà không hề đòi hỏi quyền lợi. Doanh nghiệp không trân trọng NLĐ thì lấy ai làm việc cho mình; chưa kể nếu bất mãn, họ còn gây hại nhiều hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo