Bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, những năm gần đây tại TP HCM xuất hiện một số thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng đến từ nước ngoài cũng như trong nước. Bên cạnh những gã khổng lồ như McDonald’s, KFC, Jollibee là một thương hiệu thuần Việt đã âm thầm chinh phục thực khách bằng chính sự am tường khẩu vị của người Việt. Đó chính là Aloha, một start-up khá thành công trong lĩnh vực thức ăn nhanh tại TP HCM.
Mở hướng đi riêng
"Cách đây hơn ba năm, vợ chồng tôi thất bại nặng nề trong lĩnh vực may gia công và buộc phải đóng cửa xưởng để cắt lỗ. Trong những ngày tháng lao đao ấy, hai vợ chồng rất muốn tìm hướng làm ăn mới nhưng nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm là rào cản lớn nhất" - bà Phạm Thị Thanh Phượng, sáng lập và là giám đốc điều hành hệ thống chuỗi nhà hàng Aloha, kể lại.
Bà Phạm Thị Thanh Phượng và đội ngũ nhân viên phục vụ tại Aloha
Trong những ngày lang thang khắp các nẻo đường thành phố để tìm kiếm một lĩnh vực hoạt động, bà Phượng nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường ăn uống, nhất là lĩnh vực thức ăn nhanh. Khi bắt đầu tìm hiểu về mô hình này, CEO Aloha thừa hiểu rằng thị trường này vô cùng khốc liệt. Các tập đoàn quốc tế với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực, được vận hành bài bản và đã có chỗ đứng vững chắc trong mắt người tiêu dùng Việt. Bộc bạch suy nghĩ với chồng, bà Phượng nhận ngay cái lắc đầu bởi người bạn đời không tin bà có thể thành công với mô hình vốn đã có quá nhiều thương hiệu lớn chen chân. "Quyết theo đuổi ước mơ, gần nửa năm, bà Phượng xin vào làm nhân viên phục vụ tại một cửa hàng thức ăn nhanh để học hỏi kinh nghiệm tổ chức quản lý và phục vụ khách hàng. Sau đó, bà sang một tiệm kem và mua luôn quy trình chế biến kem tươi.
Cảm thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm, bà Phượng lập dự án kinh doanh với cửa hàng Aloha đầu tiên và thế chấp ngay căn nhà mình đang ở để vay vốn ngân hàng. Thời gian đầu, cửa hàng Aloha tại TP HCM chịu không nổi áp lực cạnh tranh nên bà buộc phải đưa xuống Kiên Giang. "Chồng tôi bảo cửa hàng sang chảnh đưa về tỉnh thì ai vào ăn? Lần trước thất bại đã ôm nợ mấy tỉ bạc, lần này khởi nghiệp nợ thêm mấy tỉ nữa không biết còn giữ được ngôi nhà hay không" - bà Phượng hồi ức.
Nói vậy chứ bà Phượng vẫn nhận được sự giúp đỡ âm thầm của chồng, từ khâu xây dựng hình ảnh đến quản lý mô hình, thiết kế cửa hàng. Và việc Aloha trụ vững được tại tỉnh Kiên Giang là thành quả cho nỗ lực không mệt mỏi của 2 vợ chồng.
Đọc khẩu vị người Việt
Thị trường thức ăn nhanh đang rất thu hút giới trẻ do vừa tiện dụng vừa hợp khẩu vị nhưng đa phần các hãng đồ ăn nhanh đều chỉ được phát triển từ thương hiệu lớn đã thành công của thế giới chưa chắc đã có độ phù hợp cao với người tiêu dùng bản địa. Thế nên, bà Phượng quyết định chọn hướng đi riêng cho Aloha bằng cách hòa trộn văn hóa ẩm thực thế giới và ẩm thực Việt.
Khác với đặc thù của các thương hiệu thức ăn nhanh khác hầu như 100% khách hàng là người trẻ, cá biệt có những thương hiệu khách hàng chỉ toàn… trẻ con, Aloha đón khách đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Trong tiệm Aloha, người trẻ vẫn có đùi gà chiên, xúc xích, pizza nhưng người lao động muốn chắc dạ có thể chọn cơm chiên, mì cay, lẩu hải sản… Đặc biệt, người trẻ đến Aloha cảm thấy "khoái khẩu" với món tráng miệng là kem tự phục vụ. Các máy làm kem hiện đại được đặt trước sảnh, khách hàng có thể tùy chọn và tự mở máy để pha trộn và trang trí các loại kem theo khẩu vị riêng của mình chứ không bắt buộc phải theo một vài gợi ý hạn chế như các menu kem thường thấy.
"Khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào đúng là rất khó khăn nhưng bây giờ chúng tôi quản lý hàng hóa hoàn toàn trên dây chuyền online nên bảo đảm nắm rõ chất lượng của nguyên liệu, cộng với công tác giám sát thẩm định và yêu cầu quy trình rất chặt chẽ. Nguyên liệu không tươi sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến chất lượng thức ăn. Đây là chuyện sống còn đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành thực phẩm nên nhân viên Aloha bắt buộc phải tuân thủ" - bà Phượng cho biết.
3 năm mở 15 nhà hàng, vừa quản lý cơ sở cũ vừa đào tạo nhân sự và xây dựng nhà hàng mới, ban giám đốc quay như "chong chóng" luôn trên xe đi khắp các tỉnh thành phía Nam. Để có thể khai trương thêm một nhà hàng mới, Aloha phải chuẩn bị mọi thứ, từ tìm kiếm mặt bằng đến đào tạo, huấn luyện nhân viên. "Để có thể làm công tác quản lý, tôi phải đi học chuyên môn nghiệp vụ đã đành mà còn phải học cả về tâm lý để có thể hiểu được nhân viên của mình. Tôi vẫn nghĩ dù quản lý bằng công nghệ nhưng yếu tố con người là quan trọng nhất, nên phải học để ứng xử đúng với họ chứ không chỉ đơn giản là cung cấp cho họ một việc làm hay trả một mức lương" - bà Phượng trăn trở.
Tự tin cạnh tranh
Aloha mới chỉ xuất hiện trong 3 năm trở lại đây ở các tỉnh phía Nam nhưng đã nhanh chóng khai trương nhà hàng thứ 12 tại Trung tâm Thương mại Củ Chi (TP HCM), và tới cuối năm 2018 sẽ khai trương tiếp nhà hàng số 13 tại Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), số 14 tại Cần Giuộc (tỉnh Long An) và số 15 tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Trước đó, Aloha đã xuất hiện ở nhiều trung tâm thương mại tại TP HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang...
Bình luận (0)