Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 38.000 người làm việc theo Chương trình EPS với mức lương bình quân từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong việc triển khai Chương trình EPS mà hai bên đang nỗ lực giải quyết đó là tình trạng người lao động (NLĐ) Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động đã không về nước mà tiếp tục ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Không thể chỉ tuyên truyền
Hiện tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đã tăng đến con số báo động gần 40%. Qua đó có thể thấy, những năm qua, việc tuyên truyền, vận động NLĐ làm việc ở nước này về nước đúng thời hạn chưa hiệu quả.
Theo thống kê, năm 2012, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 55,76%. Trước tình hình này, Hàn Quốc đã tạm thời dừng thực hiện Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam.
Tỉ lệ bỏ trốn giảm từ 47% vào cuối năm 2013, xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015. Tháng 5-2016, Hàn Quốc "quay lại" với Bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam trong 2 năm, đến 5- 2018, thì từ đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn lại tăng lên, hiện lên tới gần 40%. Nguy cơ phía Hàn Quốc lại dừng hoặc dừng hẳn tiếp nhận lao động Việt Nam càng hiện hữu. Trong khi đó, lao động trong nước chừng 50.000 người đang "xếp hàng" để chờ sang Hàn Quốc, đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ này.
Một nguyên nhân giải thích cho lý do lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc tăng cao là do mức lương ở Hàn Quốc khá cao, thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, có người lên đến 40-50 triệu đồng/tháng. Các nhà máy địa phương, công trường xây dựng ở Hàn Quốc rất nhiều nên người NLĐ dễ tìm việc. Các ông chủ cần một lượng lớn nhân công, kể cả tay nghề không cao, nên vẫn chấp nhận thuê lao động bất hợp pháp. Biện pháp ký quỹ ở quê nhà thì chỉ áp dụng từ 2013, trong khi nhiều lao động bỏ trốn đi từ trước thời điểm trên và không chịu ảnh hưởng của việc ký quỹ. Thậm chí, trong suy nghĩ của lao động bất hợp pháp, thì đi làm khoảng nửa năm là bù lại được tiền ký quỹ hay tiền phạt. Rồi nếu trốn ở lại, làm càng lâu, số tiền kiếm được càng nhiều hơn.
Một nguyên nhân nữa được giải thích là để đi xuất khẩu lao động, hầu hết qua "cò", họ phải vay mượn số tiền khá lớn. Hai năm đầu, tích cóp trả nợ, năm thứ ba thì gửi tiền về và dành dụm. Thời hạn chỉ có 3 năm, họ về nước thì kiếm đâu ra công việc với mức lương đó? Phải tìm ra thêm những biện pháp khác nữa, hiệu quả hơn, chứ chỉ dừng ở mức "gào thét" tuyên truyền, vận động với ký quỹ 100 triệu đồng, thì không ngăn được. Chẳng hạn, lao động Việt Nam trốn ở lại vì tiền, vậy thì biện pháp xử phạt cũng sẽ là tiền ở mức đủ lớn, cùng việc siết chặt quản lý để lao động không đi qua "cò"?
Xử phạt nặng
Theo quy định mới dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) lấy ý kiến sẽ phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng.
Theo ý kiến của chính các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thì đây là biện pháp có thể cho là cứng rắn để giải quyết triệt để tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài hiện nay. "Chúng tôi tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu lao động đã nhiều năm nay. Phải thừa nhận việc lao động bỏ trốn là vấn đề hết sức đau đầu. Đối với những lao động bỏ trốn này họ chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt mà quên mất rằng có rất nhiều người phải chịu khó khăn đằng sau. Chỉ cần một lao động bỏ trốn là hình ảnh của doanh nghiệp (DN) xây dựng nhiều năm, hình ảnh của lao động Việt Nam trong mắt các DN nước ngoài ngày càng đi xuống. Chúng tôi rất ủng hộ những biện pháp xử lý mạnh mẽ để giải quyết triệt để vấn đề này", ông Nguyễn Mậu Cường, Giám đốc DN xuất khẩu lao động Cường Thịnh chia sẻ.
Theo phân tích của ông Cường, việc xử phạt tới 100 triệu đồng nếu lao động bỏ trốn sẽ khiến NLĐ phải cân nhắc. "100 triệu là số tiền không nhỏ, nếu anh trốn ra ngoài, chẳng may bị bắt, bị trục xuất về nước vừa không còn cơ hội được tiếp tục xuất khẩu lao động, lại mất một khoản tiền lớn thì đương nhiên anh phải cân nhắc", ông Cường phân tích.
Năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH tạm dừng tuyển chọn lao động sinh sống tại 58 quận/huyện, thuộc 12 tỉnh, thành có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao. Trong đó, Nghệ An có 11 huyện; Hải Dương 7 huyện; Hà Tĩnh 6 huyện; Hà Nội 5 huyện; Nam Định 5 huyện; Bắc Ninh 5 huyện; Thanh Hóa 4 huyện; Thái Bình 4 huyện; Quảng Bình 3 huyện; Hưng Yên 3 huyện; Bắc Giang 3 huyện; Phú Thọ 2 huyện. Ngoài ra, còn 51 quận/huyện khác cũng vào "tầm ngắm", không loại trừ sẽ bị tạm dừng tuyển trong năm 2018.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, thời gian tới, đặc biệt đối với thị trường Hàn Quốc, nếu DN nào đưa lao động đi mà xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn có tỉ lệ cao thì DN đó sẽ bị dừng tuyển và không được tiếp tục đưa lao động sang thị trường này nữa. "Hiện, cục cùng với các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để lao động bỏ trốn về nước. Đề xuất hạn chế tuyển lao động mới ở các địa phương này là để tăng cường trách nhiệm của các địa phương, vì thế, các địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao cũng đang ráo riết thực hiện vấn đề này. Chúng ta đã có nhiều biện pháp, rồi cả xử phạt, thế nhưng đáng nói nhất ở đây chính là ý thức của NLĐ", ông Liêm cho biết.
Bình luận (0)