Phóng viên: Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro, có tỷ lệ bỏ trốn cao, đặc biệt tại Hàn Quốc, Đài Loan… Vậy ngoài trách nhiệm của người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) đưa họ đi, trách nhiệm của bộ ra sao trong vấn đề này, thưa ông?
- Ông Doãn Mậu Diệp: Với lao động bỏ trốn ra ngoài làm bất hợp pháp, đầu tiên vẫn là trách nhiệm của NLĐ, cơ quan quản lý nhà nước không thể nào gặp và van nài từng người về nước khi hết hạn hợp đồng. Với lao động gặp rủi ro, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã thành lập ban quản lý lao động, văn phòng hỗ trợ ở các nước có lao động Việt Nam. Bất kể NLĐ có yêu cầu gì đều được các cơ quan đại diện hướng dẫn, hỗ trợ. Bộ cũng yêu cầu khi NLĐ gặp rủi ro, các DN đưa lao động đi phải có mặt hỗ trợ kịp thời, nếu không sẽ bị xử phạt.
Nhà nước xây dựng chính sách, doanh nghiệp và NLĐ phải tuân thủ. Nếu DN làm sai sẽ bị xử lý, nặng có thể tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn, hoặc rút giấy phép. Vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH đã tạm đình chỉnh, rút giấy phép một số đơn vị sai phạm. Mong DN và NLĐ cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp về Việt Nam tại các nước tới làm việc.
NLĐ đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út gặp rất nhiều rủi ro, nhiều gia đình phải bỏ tiền đền bù để người thân được về nước. Những người đi theo diện này gia đình đều nghèo. Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Chúng tôi đã yêu cầu tùy viên lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út đánh giá lại toàn bộ việc đưa lao động giúp việc gia đình sang nước này bấy lâu nay, mặt được, chưa được, phát sinh, kiến nghị giải pháp xử lý để hoạt động này tốt hơn. Đồng thời, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cũng phải đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các DN xuất khẩu lao động tham gia đưa giúp việc sang Ả Rập Xê Út. Báo cáo về LĐ-TB-XH trước ngày 25-4 tới.
Chúng tôi đang đặt lịch làm việc với Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Hà Nội để xem xét những DN đưa lao động nào làm tốt, đơn vị nào chưa tốt trong tuyển chọn, đào tạo, hỗ trợ lao động. Nếu DN nào làm không tốt chúng tôi sẽ đề nghị Đại sứ quán không cấp mã visa và không cho tham gia vào hoạt động đưa lao động sang Ả Rập Xê Út. NLĐ nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, không riêng gì Ả Rập Xê Út cần tìm doanh nghiệp có uy tín, tìm hiểu kỹ về hợp đồng, chính sách, luật pháp, tham gia học tập đầy đủ…
Nhu cầu của thị trường Ả Rập Xê Út cũng rất đa dạng, không chỉ có giúp việc gia đình, còn có lao động xây dựng, làm việc trong nhà máy… Năm nay, tiểu ban hợp tác lao động giữa 2 nước sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng khung pháp lý rõ ràng, bảo vệ lao động Việt Nam tốt hơn. Đặc biệt, có chính sách ràng buộc trách nhiệm không chỉ DN đưa đi, còn cả DN tiếp nhận, sử dụng tại nước bạn.
Có ý kiến cho rằng, việc cấm lao động tại một số địa phương đi làm việc tại Hàn Quốc đang gây ảnh hưởng tới quyền lợi NLĐ, còn ông thì sao?
Việt Nam và Hàn Quốc mới ký lại hiệp định tiếp nhận lao động vào năm 2016, sau nhiều năm tạm dừng vì lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều (khoảng 16.000 lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc). Việc dừng nhận lao động tại một số địa phương xuất phát từ chỉ đạo của Chính phủ và là điều kiện tiên quyết để Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam. Chúng ta đã cân nhắc và quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động tại một số địa phương có nhiều người bỏ trốn tại Hàn Quốc, để tạo cơ hội cho những lao động ở địa phương khác sang Hàn Quốc.
Theo tính toán của Thứ trưởng LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, mỗi năm có khoảng 40.000 người thi tiếng Hàn để mong được đi Hàn Quốc, nhưng chỉ có khoảng 3.500 người được lựa chọn. Tính ra, 40.000 người thi tiếng Hàn tốn 16 triệu USD tiền học (mỗi người học hết 400 USD/khóa), 1 triệu USD chi phí thi cử, 2 triệu USD tiền đặt cọc của 3.500 người được đi. Tổng cộng tốn hết 19 triệu USD (khoảng 430 tỷ đồng) để giải quyết việc làm cho 3.500 người. Xét trên bình diện quốc gia chi phí đó không rẻ, trong khi còn nhiều thị trường khác tốt như Nhật Bản, Đài Loan… người lao động cũng nên cân nhắc
Bình luận (0)