Và dù có là lao động hợp pháp tại các nước nhưng khi hết thời hạn hợp đồng nhiều người vẫn tìm cách ở lại nơi "đất khách quê người", sống bất hợp pháp, không giấy tờ… đang trở thành vấn đề nổi cộm. Trên thực tế, những lao động "chui" này khi trốn ra ngoài làm rất dễ nhưng đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình.
Gia tăng lao động "chui"
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Theo bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB- XH) dù thời gian qua tỷ lệ lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo kênh chính thức tăng nhưng cùng với đó tỷ lệ lao động đi "chui" cũng tăng theo đáng kể.Lao động chui, lao động bất hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo vệ
Lao động chui, lao động bất hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo vệ
"Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua các hình thức "tự đi" hoặc "không chính thức" cũng ngày càng gia tăng. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo cách "tự đi" thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của các Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước tiếp nhận lao động và họ cũng không thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ" – bà Dung nói.
Qua khảo sát ở một số tỉnh phía Bắc cho thấy, nước tiếp nhận phổ biến đối với người lao động là Thái Lan, trong đó có 2.184 lao động nữ và 3.788 lao động nam. Đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, thị trường tiếp nhận phổ biến là Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Nữ lao động thường làm những công việc như giúp việc gia đình (25%), dệt may (12%), sản xuất chế tạo (12%).
Đối với lao động nam, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm khoảng 15%, Malaysia 12% và Hàn Quốc 12% trong tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài, là các thị trường tiếp nhận phổ biến. Ngành nghề công việc thường được người lao động thực hiện ở nước ngoài gồm xây dựng, thợ điện...Người lao động còn làm việc tại các nước châu Phi (phổ biến là Angola với 1.337 lao động) và một số quốc gia châu Âu (phổ biến nhất là Đức với 368 lao động). Khu vực châu Âu hàng năm có khoảng 18.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang qua các đường dây đưa người trái phép.
Chật vật nơi xứ người
Để có được thu nhập cao, rất nhiều lao động Việt Nam bất chấp cuộc sống chật vật, thiếu thốn ở nơi "đất khách". Việc làm hấp dẫn, lương cao ở các nước này là lý do "níu chân" nhiều lao động Việt Nam.
Lao động Việt làm chui tại Hàn Quốc
Theo TTXVN, phần lớn lao động Việt Nam bất hợp pháp ở Hàn Quốc sống trong các nơi ở chật chội, do chủ xây. Một số có gia đình đi thuê những căn nhà nhỏ kiểu cấp 4 hay tầng hầm để làm chỗ trú chân qua ngày.
Giá thuê dao động từ 200.000-450.000 won (4-9 triệu đồng)/tháng tùy theo diện tích, tiện nghi và vùng miền. Nhìn chung, cuộc sống tạm bợ, thậm chí thấp thỏm lo âu vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Từ thực trạng trên có thể thấy người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc nếu làm việc nghiêm túc, tuân thủ Chương trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc, thì khi hoàn tất chương trình cũng có được một số vốn kha khá để giúp đỡ gia đình. Bên cạnh đó, cũng có cơ hội để học thêm kỹ năng làm việc, trau dồi ngoại ngữ hoặc tăng thêm sự hiểu biết về nền văn hóa của nước sở tại...
Có khi phải trả giá bằng cả mạng sống
Trong thời gian gần đây, rất nhiều lao động "chui" phải bỏ tính mạng của mình ở nơi "đất khách quê người" đặc biệt là lao động ở các quốc gia và vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Angola…
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, Công an Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả tỉnh Lào Cai 452 lao động và lực lượng biên phòng tỉnh xử lý 17 lao động. Trong đó, chủ yếu là lao động tỉnh Lào Cai và một số tỉnh lân cận sang Trung Quốc làm thuê nhưng không làm thủ tục xuất - nhập cảnh theo pháp luật hiện hành của 2 nước.
Đáng nói hơn, có nhiều trường hợp lao động sang Trung Quốc làm thuê vì không làm thủ tục pháp lý, nên khi bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền công hoặc bị cướp giật, đánh đập, ngược đãi thì họ chỉ biết nhẫn nhịn chịu đựng trong tủi cực. Họ không dám khai báo với chính quyền sở tại vì sợ bị bắt, bị giam giữ, bị phạt tiền, bị trả về theo đường ngoại giao.
Xót xa hơn là đã có những người "bỏ mạng" khi sang Trung Quốc làm thuê mà nguyên nhân chỉ có thông tin chung chung là "gặp nạn" hoặc "tai nạn". Ông Giàng Seo Vênh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) cho biết: Cuối tháng 12-2017, xã có anh Sùng Seo Sánh, thôn Tả Thồ 2 sang Trung Quốc làm thuê được 1 tuần thì có tin báo về là "gặp nạn" chết bên đó. Do anh Sánh không làm thủ tục xuất - nhập cảnh, nên địa phương và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa thi thể về mai táng. Cuối cùng là phải hỏa táng ở bên đó rồi mới mang về được.
Nhiều người lao động do đi làm việc "chui" nên họ thường xuyên bị cảnh sát truy quét. Hầu như lần nào cũng phải chi tiền "bảo kê". Có ít đưa ít, có nhiều đưa nhiều, nhưng nếu không đưa sẽ bị đánh đập, khám xét rồi tịch thu hết.
Việc người lao động đi làm việc theo các kênh không chính thống đồng nghĩa với việc họ có thể gặp bất cứ rủi ro nào về tính mạng, sức khỏe, tiền bạc mà không được cơ quan chức năng bảo vệ. Có thể kể tới một số thị trường có tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc "chui" khá lớn là Thái Lan, Lào, Malaysia, Hàn Quốc…
Hiện trong các bộ luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ số lao động này để có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ được bảo vệ khi làm việc ở ngước ngoài cũng như khi về nước.
Bình luận (0)