Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên không phải ai cũng có thể liên hệ được với các công ty hay trung tâm hỗ trợ xuất khẩu lao động hợp pháp. Lợi dụng điều này, Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1981, ở tỉnh Phú Thọ) cùng các đồng phạm đã có hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người dân khiến nhiều người trở nên trắng tay...
Đẩy người nghèo vào đường cùng
Theo cáo trạng truy tố, ngày 21-1-2016, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội nhận được Công văn số 72/CV-NB ngày 19/1/2016 của Cục An ninh cửa khẩu – Bộ Công an (A98) với nội dung đề nghị làm rõ vụ việc các đối tượng có dấu hiệu tổ chức cho 26 khách trốn sang Hàn Quốc lao động theo hình thức đi du lịch tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Theo tài liệu xác minh ban đầu của A98 thể hiện, 26 khách nhập cảnh vào Hàn Quốc ngày 12-1-2016 sau đó đã bị phía nước sở tại buộc xuất cảnh trở lại Việt Nam qua chuyến bay VJ5967 ngày 17-1-2016 từ Jeju.
Lao động ở Nghệ An chờ làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Đài Loan
Sau khi tiếp nhận kiến nghị khởi tố của A98, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. Quá trình điều tra đã xác định được, khoảng tháng 12/2015, Công ty Wooriclub Tourism Developmen Co (Hàn Quốc) có tổ chức cung cấp dịch vụ du lịch thông qua thư điện tử cho các công ty du lịch trong nước theo chuyến đi từ Hà Nội - Jeju với thời gian 6 ngày 5 đêm và khởi hành vào ngày 12-1-2016. Theo đó, giá vé người lớn là 400USD/người và thủ tục chỉ cần cung cấp chính xác thông tin người đi, hộ chiếu và không cần Visa.
Khi biết thông tin về chuyến du lịch trên, lợi dụng chính sách không cần Visa như các tour du lịch nước ngoài khác thì một số đối tượng đã cấu kết và hình thành các đường dây tổ chức cho những người ở nhiều địa phương có nhu cầu đi lao động bên Hàn Quốc. Thủ đoạn của các đối tượng là đăng ký đi du lịch đảo Jeju nhưng sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Trong số đó có đường dây do Hạnh cầm đầu.
Lê Thị Tuyết Hạnh vốn hành nghề tư vấn lao động và việc làm. Trong quá trình đó, đối tượng nhận hàng loạt hồ sơ của nhiều người có nhu cầu ra nước ngoài lao động nhưng vẫn chưa thể lo lót cho họ. Đến tháng 5-2015, thông qua một số đối tượng trong vụ án, Hạnh được biết có tour du lịch từ Việt Nam sang đảo Jeju (Hàn Quốc) 6 ngày 5 đêm mà không cần phải có Visa nên lập tức nảy ra ý đồ đưa 7 người ở nhiều tỉnh, TP khác nhau sang đây lao động chui.
Để thực hiện hành vi phạm tội, một mặt Hạnh cùng đồng phạm đăng ký tour du lịch cho khách hàng, mặt khác kết nối với một đối tượng người Việt Nam sống tại Hàn Quốc để lo việc trốn ở lại nước bạn ngay sau khi nhóm khách hàng đặt chân tới đảo Jeju.
Với những kế hoạch đã vạch ra, tối ngày 11-1-2016, Hạnh cùng đồng phạm đã đưa trót lọt được 7 người có nhu cầu ra nước ngoài lao động qua cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày trốn ở lại Hàn Quốc, nhóm người ra nước ngoài lao động chui đã bị ngành chức năng nước sở tại trục xuất về ViệtNam. Trong khi đó, sau một ngày tổ chức cho nhóm người trên trốn ra nước ngoài, Hạnh và các đối tượng liên quan đã thu tiền phí xuất khẩu lao động thông qua người thân của họ với mức giá từ hơn 100 triệu đồng đến 10.000USD/người.
Cũng theo truy tố, bị cáo Tâm đã tổ chức cho 11 người và bị cáo Long tổ chức cho 3 người trốn sang Hàn Quốc lao động chui bằng con đường tour du lịch 6 ngày 5 đêm thông qua một công ty lữ hành với chi phí 4.000USD/trường hợp (không kể chi phí học ngoại ngữ). Ngoài ra, vào thời điểm vụ án bị cơ quan an ninh phát giác, Hạnh cùng các bị cáo liên quan vẫn đang tiếp tục thu nhận hồ sơ của nhiều người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động chui sang Hàn Quốc với thủ đoạn nêu trên.
Quá trình xét xử, cả 8 bị cáo trong vụ án đều thành khẩn khai nhận hành vi tổ chức người khác trốn ra nước ngoài như nội dung cáo trạng truy tố. Trong đó, bộ ba bị cáo Hạnh, Tâm, Long được xác định giữ vai trò khởi xướng và là đầu mối. Đối với 5 bị cáo còn lại được xác định giữ vai trò giúp sức tích cực cho các đối tượng cầm đầu. Với nội dung vụ án nêu trên, sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ, lời khai, diễn biến tại phiên tòa và các tình tiết liên quan, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Lê Thị Tuyết Hạnh 36 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Tâm và Vũ Đình Long cùng bị tuyên phạt mức án 30 tháng tù về tội "Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài". Các bị cáo còn lại lần lượt bị xử phạt từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam theo đúng tội danh bị truy tố.
Đừng để có thêm nạn nhân
Theo cơ quan công an, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động rất linh hoạt. Vì vậy, để tạo lòng tin cho người lao động, các đối tượng thường làm giả hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài có dấu giả và chữ ký của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh cán bộ của các DN xuất khẩu lao động về tận các vùng nông thôn để tuyển người.
Bên cạnh đó, một số đối tượng còn không ngần ngại thông qua các trang mạng để công khai rao tuyển người đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, tung các "chân rết" xuống từng địa phương rồi thông qua mối quan hệ quen biết, họ hàng xa gần để mời chào đi xuất khẩu lao động. Cách thức chiêu dụ của các đối tượng thường là rỉ tai, dụ dỗ ngon ngọt rằng môi trường làm việc rất tốt, lương cao, công việc nhẹ nhàng… Theo đó, nhiều người muốn đi xuất khẩu lao động nhưng thiếu hiểu biết và thông tin ít rất dễ sập bẫy. Thường những bị hại trong các vụ án đều xuất thân từ các vùng nông thôn nghèo khó. Họ không chỉ mất tiền xuất khẩu lao động mà nhiều người còn bị "bòn rút" những khoản tiền không tên khác. Kết cục của những "giấc mộng đổi đời" này đã khiến người lao động nợ nần chồng chất.
Để khỏi gặp nạn lừa đảo, các cơ quan chức năng khuyến cáo người có nhu cầu xuất khẩu lao động nên tìm hiểu thông tin đầy đủ thông qua các cơ quan, đơn vị được phép tuyển dụng; liên hệ trực tiếp với văn phòng các công ty xuất khẩu lao động có uy tín và được cấp phép tuyển dụng. Đồng thời, qua các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động liên tục diễn ra, cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt công tác kiểm tra và giám sát hoạt động của các công ty môi giới xuất khẩu lao động. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa trong việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vụ lừa đảo trong xuất khẩu lao động.
Bình luận (0)