Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trong cộng đồng ASEAN (AEC) và hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương khác. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực của Việt Nam vốn tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ hội để Việt Nam cất cánh, nhưng cũng là thách thức lớn nếu không thay đổi thực trạng lao động trong nước như hiện nay.
Thêm 6 triệu việc làm mới nhưng 5 triệu việc làm cũ sẽ mất đi
Theo dự báo của ILO, Việt Nam có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm, chiếm khoảng 10% số việc làm tăng thêm cho đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN do tác động từ việc hình thành AEC.
ILO cho biết, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2025, nhu cầu tuyển dụng nhân sự hình thành 03 cấp nhân lực: chuyên môn kỹ thuật bậc cao (tăng 41%, tương đương 14 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc trung (tăng 22%, tương đương 38 triệu chỗ làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc thấp (tăng 24%, tương đương 12,4 triệu chỗ làm việc).
Đây chính là cơ hội tốt cho Việt Nam bởi theo thỏa thuận trong khuôn khổ AEC, có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong được 10 nước ASEAN gồm: dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch. Các lao động Việt Nam đủ tiêu chuẩn trong 8 nghề trên có thể làm việc tại bất cứ quốc gia nào mà họ muốn.
Một dây chuyền lắp ráp ô tô của Trường Hải. Tại đây các công đoạn được thực hiện tự động hoá lên đến 80%.
Đó là một viễn cảnh đầy màu xanh được các chuyên gia nhận định, nhưng những thông tin thực tế sau đây mới thực sự là báo động đỏ cho Việt Nam. Nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, nhiều ngành đối mặt thách thức lớn do cạnh tranh khốc liệt giữa NLĐ với máy móc đang hiển diện, đặc biệt trong thời kỳ của cuộc cách mạng 4.0.
ILO cảnh báo Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng và chỉ số cạnh tranh nhân lực cũng chỉ đạt 4,3/10 điểm, xếp hạng 56/133 nước tham gia xếp hạng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trong năm 2015 mới chỉ đạt 20,3%. Thêm nữa, nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp. Tinh thần, tránh nhiệm và đạo đức nghề nghiệp đứng ở mức thấp.
Năng suất lao động (NSLĐ) cũng là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam thấp nhất khu vực. Bình quân mỗi lao động Việt Nam năm 2016 làm ra 9.894 USD, so với con số tương ứng của Singapore là 131.300 USD, Malaysia 46.200 USD, Thái Lan 17.200 USD, Indonesia 13.500 USD...
Nghiên cứu mới đây của ILO chỉ rõ riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại Việt Nam. Theo đó, 86% công nhân (CN) ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.
Một số ngành khác như lái xe, CN xây dựng, CN chế biến, kỹ thuật cơ giới… có nguy cơ mất việc rất cao. Có thể thấy trong tương lai không xa, robot sẽ dần thay thế đa số những việc làm của NLĐ giản đơn, sản xuất tập trung theo dây chuyền trong các nhà máy công nghiệp.
Thiếu nhân lực có trình độ cao
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) nói rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thật sự là mối đe dọa việc làm, thất nghiệp nhưng phần mất đi này sẽ được bù đắp một phần nhờ 2,1 triệu việc làm khác được tạo ra chủ yếu ở ngành máy tính, toán học hay kiến trúc và kỹ thuật".
Ông Tuấn phân tích, cách mạng 4.0 dẫn đến tổn thất việc làm do sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, in ấn 3D, di truyền học và công nghệ sinh học. Chúng dẫn đến sự rối loạn không chỉ trong môi trường kinh doanh mà còn ở thị trường lao động vì cần các kỹ năng mới đáp ứng điều kiện mới.
Khảo sát của Falmi cho thấy lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot. Còn các lĩnh vực chịu thất nghiệp dự kiến là chăm sóc sức khỏe, năng lượng, dịch vụ tài chính, đầu tư sản xuất, đặc biệt là những lao động kỹ năng thấp.
Ông Tuấn cho biết thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện đang rất thiếu, DN muốn tuyển mà không có. Tuy vậy, phần lớn học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, kỹ năng thực hành và còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn.
Trong quá trình hội nhập, DN có xu hướng tuyển dụng không quá chú trọng bằng cấp. Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề mới là yếu tố chính đưa NLĐ đến với thành công.
"Cách mạng công nghệ 4.0 đều do con người làm ra và quyết định. Kể cả Robot thông minh đến mấy, được trang bị trí tuệ nhân tạo bao nhiêu thì con người là cốt lõi, không thể thay thế được. Vì vậy, NLĐ buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 trong đó đặc biệt chuyên ngành công nghệ thông tin", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Là một chuyên gia về lao động - việc làm, ông Tuấn tin rằng thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, trong đó phải kể đến xu hướng khởi nghiệp và tự tạo việc làm của giới trẻ.
Bình luận (0)