Độ tuổi của các lao động tại thời điểm nghỉ việc thường từ 31-32 và rất ít người làm đến năm 35 tuổi. Đối tượng này chủ yếu là người lao động (NLĐ) trực tiếp tại các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày, làm công việc giản đơn, không đòi hỏi cao về trình độ kỹ thuật.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có nơi, 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các KCN bị buộc phải nghỉ việc với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ vì không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ dẫn đến mất ổn định trong hệ thống an sinh xã hội.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho biết số người tham gia BHXH tăng lên thời gian qua không nhiều và thiếu bền vững. Do khó khăn của nền kinh tế, một số người tham gia BHXH phải rút khỏi thị trường lao động và muốn nhận chế độ BHXH một lần.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2013 đến 2016, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần, bình quân mỗi năm hơn 600.000 người. Riêng năm 2016, 665.000 người đã xin lĩnh BHXH một lần và dự kiến năm 2017 có 690.000 người. Hiện số người nhận BHXH một lần tương đương số người tham gia mới vào hệ thống.
Bình luận (0)