Đối với những lao động nữ ở tuổi này, cơ hội việc làm càng trở lên khó khăn hơn vì rào cản tuổi tác cũng như những yếu tố đặc thù về giới.
Bị đẩy ra đường do sức khỏe yếu
Đang làm tại xưởng cắt của một doanh nghiệp may mặc tại huyện Hoài Đức, chị Nguyễn Thị Hoa (38 tuổi, xã L.Y, huyện Hoài Đức) bị đau cột sống, phải xin nghỉ nửa tháng nằm viện điều trị. Khỏi bệnh, chị Hoa trở lại công ty làm việc nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì công ty cho thôi việc vì lý do sức khỏe yếu, không đảm đương được công việc.
Lao động nữ lớn tuổi tuy kém về sức khỏe nhưng lại giàu kinh nghiệm và ý thức kỷ luật cao (Ảnh minh họa).
Thất nghiệp, chị gửi hồ sơ xin việc tới một số công ty may nhưng đều bị từ chối vì đã lớn tuổi. Chị Hoa kể: “Có lần tôi nhờ cô em họ là cán bộ nhân sự tại một công ty may ở Đan Phượng giới thiệu vào làm việc. Chỗ chị em, quý và thương nhau là vậy, nhưng cô ấy từ chối ngay: Chị 38 tuổi rồi, khó lắm, chị không thấy cái biển tuyển dụng ở cổng công ty ghi chỉ lấy người từ 18 - 35 tuổi à?” .Vậy là hy vọng tìm được việc làm mới ở công ty may của chị Hoa hoàn toàn tắt lịm. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Hoa đành theo mấy người hàng xóm cất buôn rau, quả vào nội thành bán rong.
Chung cảnh ngộ với chị Hoa là chị Nguyễn Thị Hồng, 40 tuổi, ở Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chị Hồng có thâm niên gần 20 năm làm việc tại một công ty dệt may trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Công việc đang ổn định thì công ty chuyển địa điểm làm việc ra ngoại thành, cách nhà gần 30 km. Vì điều kiện gia đình hai con còn nhỏ, sức khỏe chị lại cũng giảm sút sau khi sinh mổ đứa con thứ hai, chị Hồng không thể đi làm xa nên đành xin nghỉ việc. Cứ nghĩ với thâm niên lâu năm, tay nghề thành thạo thì sẽ dễ tìm được việc làm mới, nhưng gõ cửa một số công ty may trong KCN Vĩnh Tuy, chị chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Không thể xin được việc làm mới, chị Hồng đành nhận lời đi phụ bán tạp hóa cho gia đình một người quen. Lương mỗi tháng 4 triệu đồng nhưng công việc của chị không phải chỉ đứng một chỗ bán hàng, mà còn phải bê vác, vận chuyển mỗi khi hàng, thậm chí phải đi đưa hàng theo yêu cầu của khách.
Ở tuổi 40 của chị mà cứ phải bê vác, đi lại thường xuyên nên sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tháng nào chị cũng tốn hàng triệu đồng tiền thuốc trị bệnh. “Việc bán hàng đại lý không phù hợp với sức khỏe nên chắc mình cũng không thể làm lâu dài được, nhưng không biết có thể tìm được việc gì khác”, chị Hồng buồn rầu nói.
Rào cản từ tuổi tác và đặc thù giới
Chị Hoa và chị Hồng không phải là những trường hợp lao động nữ lớn tuổi khó tìm việc làm cá biệt. Thực tế, hầu hết lao động nữ ngoài 30 tuổi trở lên nếu đang thất nghiệp sẽ rất khó tìm được việc làm. Điều này có thể dễ dàng được nhận thấy qua thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và cả nước, nếu không phải yêu cầu “chỉ tuyển nam giới”, thì cũng là “tuyển lao động nữ tuổi từ 18-25”.
Giám đốc một doanh nghiệp dệt may trong khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên cho biết: “Dù ngành dệt may rất phù hợp với đặc thù của lao động nữ, song chúng tôi rất ngại tuyển lao động nữ ngoài 35 tuổi. Phụ nữ độ tuổi 28-32 thường phải nghỉ thai sản, gây gián đoạn trong công việc. Khi họ sinh con thì sức khỏe giảm sút, kéo theo đó là năng suất kém”.
Còn lãnh đạo một công ty xây dựng tại quận Hoàng Mai bày tỏ: “Lao động nữ cũng có thể làm việc trong nhiều bộ phận thuộc ngành xây dựng, tuy nhiên, đặc thù của công việc ngành xây dựng là nay đây, mai đó, mà phụ nữ, nhất là lao động nữ lớn tuổi lại hay vướng bận chuyện con cái, gia đình nên không thể đáp ứng được. Dù có cơ hội mở cho các lao động nữ, nhưng công ty chúng tôi hầu như không bao giờ có lao động nữ ứng tuyển”.
Các chuyên gia y tế cho biết, theo quy luật tâm sinh lý của lao động nữ ở độ tuổi sau 30 thì sức khỏe họ giảm sút nhiều và thường mắc các bệnh như loãng xương, suy giảm thị lực, trí nhớ, huyết áp cao, tim mạch… Do đó, năng suất lao động giảm khoảng 20% và sẽ càng giảm khi tuổi càng cao. Vì vậy, không thể tránh tình trạng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, phải bố trí lại lao động.
Vì vậy, cơ hội việc làm đối với lao động nữ là vô cùng khắc nghiệt. Sự thiệt thòi nhận thấy rõ khi ở độ tuổi này, chị em thường đã lập gia đình, có con nên càng vất vả, lại không tìm được việc làm nên cuộc sống càng bấp bênh. Mặc dù vậy, nhìn ở một khía cạnh khác, tuy sức khỏe kém hơn so với tuổi trẻ, nhưng kinh nghiệm, ý thức kỷ luật và sự gắn bó với nghề của lao động nữ lớn tuổi thường cao hơn.
Rõ ràng, đây là một lực lượng lao động không nhỏ của xã hội, nếu các doanh nghiệp chịu sắp xếp lại cơ cấu hợp lý, sử dụng thế mạnh lao động ở từng công đoạn thì sẽ không để lãng phí một nguồn nhân lực quý.Thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp nên bố trí công việc phù hợp để họ có thể tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhà nước, bản thân lao động nữ lớn tuổi cũng cần tự lo cho nghề nghiệp của mình, bằng cách trau dồi tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, lao động nữ lớn tuổi cũng cần vừa làm, vừa học thêm một nghề tay trái phòng khi mất việc công việc hiện tại thì vẫn mở ra được một con đường khác.
Bình luận (0)