xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi

Minh Ngọc (Hà Nội mới)

Trong những năm qua, các hoạt động hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam được triển khai khá bài bản, đồng bộ và đạt được kết quả khả quan.

Tuy vậy, vấn đề việc làm, thu nhập đối với lao động nữ (LĐN) vẫn còn nhiều rào cản, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện hệ thống chính sách.

Tỉ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tương đối cao, chiếm 48,4% tổng số lực lượng lao động xã hội. Dù có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, song, LĐN vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, cả về việc làm, thu nhập cũng như cơ hội thăng tiến.

Theo kết quả nghiên cứu về "Phụ nữ, việc làm và tiền lương: Tổng quan về lao động nữ tại Việt Nam" do Mạng lưới hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) vừa công bố, LĐN đang ở vị thế thấp hơn so với lao động nam trong cơ cấu việc làm. Cụ thể, phụ nữ chỉ chiếm 26,1% trong các vị trí lãnh đạo, trong khi chiếm tới 52,1% ở nhóm lao động giản đơn và 66,6% lao động gia đình. LĐN cũng phải làm việc trong điều kiện kém hơn so với lao động nam khi chỉ có 49,8% LĐN làm công ăn lương được ký kết hợp đồng lao động, trong khi tỷ lệ này ở lao động nam đạt mức 58,8%. Tỉ lệ LĐN trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam. Trong nhóm lao động thất nghiệp, tỉ lệ LĐN cũng cao hơn nam giới.

Lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi - Ảnh 1.

Vấn đề việc làm, thu nhập đối với lao động nữ vẫn còn nhiều rào cản.

Đáng nói hơn, LĐN chiếm tới hơn 64% trong số lao động ở các khu công nghiệp và hơn 70% lao động thuộc các ngành lao động chân tay, nặng nhọc như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản... Đa số lao động trong những ngành, nghề này có nguy cơ mất việc làm cao do vị trí của họ có thể bị máy móc thay thế. Do đó, trong tương lai gần, số lượng LĐN thất nghiệp, mất việc làm có xu hướng gia tăng. Không chỉ chịu thiệt thòi về vị trí, cơ hội việc làm, LĐN còn gặp bất lợi về thu nhập so với nam giới. Cùng trình độ, vị trí công việc nhưng thu nhập của họ luôn thấp hơn nam giới. LĐN đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở các vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn. Vì có thu nhập thấp hơn nên nhiều LĐN, nhất là người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất buộc phải làm thêm giờ để gia tăng thu nhập. Việc làm này đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới bản thân LĐN, gia đình họ và xã hội.

Kết quả nghiên cứu về "Phụ nữ, việc làm và tiền lương: Tổng quan về LĐN tại Việt Nam" nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia, nhà quản lý. Nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu trước đó do Bộ LĐ-TB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế thực hiện cũng cho kết quả tương đồng.

Xây dựng ngân sách có trách nhiệm giới

Tạo cơ hội bình đẳng cho LĐN so với lao động nam về việc làm, thu nhập là một trong những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Vấn đề này đã được đề cập trong "Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới" giai đoạn 2016-2020 và nhiều chương trình, hoạt động khác liên quan.

Để tháo gỡ rào cản đối với nữ giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc làm và thu nhập, các chuyên gia cho rằng, song song với việc cải thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và bộ máy quản lý, Việt Nam cần quan tâm xây dựng ngân sách có trách nhiệm giới. "Ngân sách có trách nhiệm giới là chìa khóa để thúc đẩy bình đẳng giới. Ngân sách có trách nhiệm giới đã được xây dựng, thực hiện ở hơn 100 quốc gia trên thế giới và nhiều nước đã cho thấy thành công", bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết.

Đồng quan điểm nêu trên, bà Phạm Thu Hiền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, ngân sách có trách nhiệm giới là đưa nội dung bình đẳng giới vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát ngân sách nhà nước. Vấn đề này liên quan đến quá trình lập, phân bổ, thực hiện và giám sát ngân sách quốc gia nói chung nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, chứ không phải là ngân sách cụ thể, dành riêng cho các chương trình, hoạt động liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới như cách hiểu phổ biến hiện nay.

Bàn về khung pháp lý và ngân sách cho bình đẳng giới ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho biết, hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có nhiều nội dung đề cập đến vấn đề bình đẳng giới. Tuy vậy, nguồn kinh phí phân bổ từ ngân sách cho công tác bình đẳng giới chưa nhiều và chủ yếu dành cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật; chưa bố trí đủ kinh phí theo yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Năm 2013, kinh phí từ ngân sách trung ương chi cho hoạt động này là 40 tỉ đồng, năm 2015 là 25 tỉ đồng, năm 2016 giảm còn 9 tỷ đồng, năm 2017 đạt 19 tỉ đồng. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới cũng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Minh Tân kiến nghị các cơ quan chức năng thúc đẩy việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, trong quá trình xem xét, quyết định ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến các địa phương.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo