Là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động. Theo tính toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, hiện các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng khoảng 40.000 lao động để đáp ứng sản xuất. Tại Đồng Nai, thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh này cho thấy toàn tỉnh còn thiếu khoảng 100.000 lao động. Còn tại TP HCM, theo ghi nhận của Ban Quản lý các KCX-KCN, thành phố đang thiếu gần 6.000 lao động.
Khó tuyển lao động
Sàn giao dịch việc làm trực tuyến mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức thu hút gần 300 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu gần 14.000 lao động, trong đó nhu cầu tuyển lao động phổ thông chiếm khoảng 99%. Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng lớn như: may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, điện tử, bảo hiểm, vận tải, thiết bị nhựa, sản phẩm điện gia dụng, thiết bị y tế...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, dù nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các DN tăng cao, song số lượng lao động phổ thông tìm việc làm lại rất ít. Nguyên nhân là do nhiều lao động về quê chưa quay lại, tình trạng công nhân là F0, F1 trong DN vẫn còn phức tạp và giai đoạn này cũng gần Tết Nguyên đán nên người lao động (NLĐ) chưa sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.
Dự báo thị trường tuyển dụng lao động phổ thông sẽ tăng mạnh sau Tết Nguyên đán
Tại tọa đàm "Tác động của Covid-19 tới lao động ngành dệt may, da giày và hoạt động của tổ chức Công đoàn" mới đây, nhiều đại biểu cho biết dù đơn hàng không thiếu nhưng nhiều DN dệt may, nhất là khu vực phía Nam, vẫn phải từ chối do thiếu lao động, chi phí tăng. Ngành dệt may gặp nhiều thuận lợi với việc các DN hoạt động trở lại, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... mở cửa, giúp ngành tăng trưởng trở lại. Tỉ lệ NLĐ trở lại các nhà máy làm việc đạt hơn 90% nhưng với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông nhất thì 10% còn lại là con số khá lớn mà không phải một sớm một chiều có thể khỏa lấp được.
Nhu cầu tìm việc giảm
Trong báo cáo "Thực trạng lao động phổ thông hậu Covid-19 và giải pháp tuyển dụng trong bình thường mới" vừa được website vieclamtot.com công bố cho thấy 58% mong muốn quay lại các thành phố lớn làm việc vì thích nhịp sống sôi động, điều kiện sinh hoạt và thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, 42% NLĐ được hỏi cho biết không muốn quay lại hoặc không cân nhắc vì muốn "tìm kiếm cơ hội làm việc tại địa phương hoặc làm nghề tự do".
Cũng theo báo cáo, sau khi mở cửa trở lại, nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhưng nhu cầu tìm việc của NLĐ có dấu hiệu giảm dần vào thời điểm cuối năm. Cụ thể, thị trường lao động phổ thông cuối năm 2021 có nhu cầu tuyển dụng tăng 161% so với tháng 4-2021 nhưng nhu cầu tìm việc lại giảm đến 45%. Báo cáo nhận định trong tình hình hiện tại, NLĐ còn lo ngại về dịch Covid-19, muốn đợi thời điểm an toàn để quay lại làm việc hoặc chờ sau Tết âm lịch. Lao động phổ thông là nhóm bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn giãn cách xã hội tháng 7, 8 và 9 nhưng phục hồi nhanh trong tháng 10 và mạnh mẽ trong tháng 11, 12. Sự tăng trưởng này đến từ việc phục hồi các hoạt động công nghiệp sản xuất chế biến sau giai đoạn giãn cách và tăng tốc sản xuất để chuẩn bị cho nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm. Khi quay lại làm việc sau Tết Nguyên đán, "nơi làm việc an toàn" là yếu tố được NLĐ kỳ vọng hàng đầu. Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc website vieclamtot.com, dự báo nhu cầu quay lại các thành phố lớn để tìm việc sau Tết Nguyên đán của nhóm lao động phổ thông sẽ tăng mạnh. Vì thế, nhà tuyển dụng cần lưu ý tâm lý của NLĐ để xây dựng các chính sách thu hút nhân sự phù hợp.
Nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ
Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Chương trình đặt ra mục tiêu duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2% và hỗ trợ NLĐ làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có các khu kinh tế, KCN, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, thu hút NLĐ ngoại tỉnh quay lại làm việc. Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó đáng lưu ý là nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội nhằm thu hút NLĐ quay trở lại làm việc như: hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế; hỗ trợ NLĐ vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.
Bình luận (0)