Bộ LĐ-TB-XH cho biết trong năm 2018 sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg theo hướng thay đổi mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ học nghề nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người thất nghiệp khi tham gia học nghề. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ có biện pháp để cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng NLĐ
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng qua các năm: nếu như năm 2009 mới có 5,993 triệu người tham gia BHTN thì đến năm 2016 đã tăng lên 11,061 triệu người (tăng 84,5%). Tính đến hết năm 2017 số người tham gia BHTN là 11,262 triệu người. Tuy nhiên số người học nghề tỉ lệ nghịch với số thất nghiệp.
Theo báo cáo của các địa phương thì tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được cơ quan lao động tổ chức để hỗ trợ học nghề. Số lượng người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, tính đến hết năm 2017 là 121.560 người. Tuy nhiên, dù vậy đánh giá về việc triển khai chính sách đào tạo nghề đại diện Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận chính sách BHTN vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động; các quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khá chặt chẽ, do đó tương đối khó để người sử dụng lao động tiếp cận được với chế độ này. Hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp là chính sách ưu việt, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp (1 triệu đồng/người/tháng) khiến lao động thất nghiệp chưa mặn mà.
Báo cáo từ các địa phương cũng chỉ ra rằng, hiện nay, người lao động (NLĐ) có nhu cầu học các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa, lắp ráp máy vi tính, điện dân dụng, tin học văn phòng, lái xe, thiết kế quảng cáo... với thời gian ngắn để có nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp nhằm nhanh chóng có thể tìm kiếm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Cá biệt, một bộ phận không nhỏ NLĐ có nhu cầu học tiếng nước ngoài để đi xuất khẩu lao động theo các chương trình liên kết hoặc lao động tự túc. Chính vì vậy việc đổi mới các chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp cần được ngành chức năng xem xét.
Từ thực trạng trên, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, sẽ cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề, đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người lao động. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động.
Bình luận (0)