Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng nhiều đơn vị sử dụng lao động lợi dụng sự kém hiểu biết của NLĐ đã chiếm đoạt khoản tiền này bằng cách "nợ" hoặc chậm chi trả cho NLĐ, thậm chí là chiếm dụng diễn ra phổ biến.
Ông Quảng cho biết từ ngày 1-1-2018, Bộ Luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực. Một trong các nội dung đáng chú ý là sẽ xử lý hình sự với hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT với mức xử phạt có thể lên tới 3 tỉ đồng hoặc 10 năm tù. Do vậy, NLĐ phải nắm vững chính sách BHXH, BHTN để tự bảo vệ quyền lợi bản thân.
Đối tượng tham gia BHTN
a) NLĐ tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) như sau:
- HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời hạn.
- HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn.
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
b) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người giúp việc gia đình có giao kết HĐLĐ với đơn vị quy định tại Khoản a nêu trên không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
2. Mức đóng BHTN:
- NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN.
- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm.
3. Tiền lương tháng đóng BHTN
a). NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
b). NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương ghi trong HĐLĐ.
- Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Trường hợp mức tiền lương tháng của NLĐ cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng (thực hiện từ ngày 1-1-2015).
4. Cách thức đóng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng NLĐ theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
5. Điều kiện hưởng BHTN:
Theo Điều 49 Luật Việc làm, NLĐ đóng BHTN được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ngoài ra, theo Luật Việc làm, NLĐ còn được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí;
- Được hỗ trợ chi phí học nghề.
Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV, NLĐ chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi NLĐ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bình luận (0)