Vụ việc 41 lao động ở tỉnh Quảng Bình đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc chỉ 7 người trở về đúng hạn, 34 người bỏ trốn đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến 55 lao động địa phương chuẩn bị xuất cảnh bị tạm hoãn dù đã hoàn thành thủ tục, giấy tờ, học tiếng Hàn... và đã có lịch bay. Câu hỏi đặt ra là rất nhiều cách làm đã được triển khai từ khâu tuyển chọn, đào tạo định hướng, chống trốn… nhưng người lao động (NLĐ) vẫn bỏ trốn?
Chuyện của người trong cuộc
Anh T.N.P, một lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, mạnh dạn chia sẻ câu chuyện bỏ trốn của mình với phóng viên Báo Người Lao Động.
P. từng làm công nhân lắp ráp đồ nội thất ở tỉnh Bình Dương trong 3 năm với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca nhiều thì được khoảng 9,5 triệu đồng. Tằn tiện lắm thì mỗi năm anh chỉ gửi về cho gia đình ở quê khoảng 20 triệu đồng. Trong khi 2 con đang tuổi ăn tuổi học, ba mẹ già yếu. Thời điểm anh P. làm công nhân ở Bình Dương, bạn anh tên Tr. - người trong làng - cũng sang Hàn Quốc làm việc.
Năm 2016, anh Tr. phải vay mượn nhiều nguồn hơn 280 triệu đồng để có tấm vé sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau 1,5 năm, anh Tr. đã gửi tiền về trả hết nợ, còn xây lại căn nhà khang trang. Sau khi bỏ trốn ra ngoài làm tự do, anh Tr. tìm cách đưa được vợ và em gái sang Hàn Quốc làm việc. Hiện gia đình anh Tr. được xem là giàu nhất làng và có cuộc sống có thể gọi là đổi đời nhờ sang Hàn Quốc làm việc.
Anh P. kể, năm 2019 nhờ Tr. hướng dẫn nên anh chạy hộ khẩu sang một tỉnh khác để đi làm thời vụ. Sang làm được khoảng 1 tháng thì Tr. lo cho ra ngoài, đến chỗ Tr. làm việc. Ra ngoài không bị giới hạn trần làm thêm, thu nhập cao hơn vì không phải đóng bảo hiểm, không bị trừ thuế thu nhập cá nhân, điều kiện làm việc có thể không tốt hơn nhưng được lựa chọn.
"Ai qua đây cũng muốn kiếm thật nhiều tiền rồi về quê lập nghiệp chứ chẳng ai muốn trốn hoài đâu. Ở quê quá khó khăn, khó kiếm tiền hơn ở đây trong khi một lần sang một lần khó, chi phí bỏ ra lại quá cao nên phải tìm mọi cách để bù đắp, kiếm thêm để lo cho con cái sau này thôi" - anh P. bộc bạch.
Xây dựng là ngành thu hút nhiều lao động “chui” nhất ở Hàn Quốc
Trước tình trạng lao động bỏ trốn, chị Lê Thị Kim Oanh (25 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình), lao động tham gia chương trình EPS tại Hàn Quốc, bức xúc: "Nói cho vuông thì nếu không có người dẫn đường chỉ lối thì những lao động mới sang tiếng Hàn còn bập bẹ làm sao biết chỗ nào mà làm, chỗ nào mà xin việc, rồi thuê nhà, đi lại nữa... Bỏ trốn biết là vì tiền, vì mưu sinh nhưng đó là sự ích kỷ, hẹp hòi làm ảnh hưởng đến đồng hương của mình".
Gốc rễ từ đâu?
Định cư tại Hàn Quốc được 15 năm, anh L.V.Th, quản trị một diễn đàn người Việt tại Hàn Quốc, cho rằng NLĐ bỏ trốn làm bất hợp pháp rất đáng trách nhưng cũng rất đáng thương. Họ bị áp lực về kinh tế rất lớn, do vậy quyết tâm phải làm thật nhiều tiền trong thời gian chưa bị phát hiện. Họ sống trong cảnh lo lắng bị trục xuất bất cứ lúc nào, đau ốm tự lo, không được bảo hiểm chi trả nên rủi ro rất lớn. Tuy vậy, mục tiêu duy nhất là thoát nghèo nên họ chấp nhận mọi thách thức.
Theo quan sát của anh Th., lao động người Hàn bản địa không làm các công việc như bốc xếp, thợ hồ, thợ nề, thợ hàn, thợ tiện, trong khi ngành xây dựng ở Hàn lại rất phát triển, nên cơ hội "lao động chui" luôn có việc làm. Một điều nữa là các DN nhỏ tại Hàn Quốc cũng khá chuộng "lao động chui" vì không phải ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho NLĐ, tiết kiệm được chi phí.
"Tôi quan sát thấy gần đây cảnh sát địa phương cũng ít kiểm tra hoặc kiểm tra cho có vì họ cũng bị áp lực bởi tình trạng thiếu nhân công là lao động phổ thông đang rất căng tại Hàn Quốc. Lao động chui chỉ bị phát hiện khi vi phạm pháp luật, hát karaoke gây ồn ào, đánh bạc… còn lại cứ âm thầm làm ăn thì yên" - anh Th. cung cấp thêm thông tin.
Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DV Quốc tế Sài Gòn (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết có thời điểm 75% lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Do đó, từ cuối năm 2012 đến tháng 6-2016, Hàn Quốc đã tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Hiện trong số hơn 48.000 NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc, có khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp.
"Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chất lượng NLĐ. Nếu NLĐ có tay nghề, có trình độ thì họ cũng có nhận thức về mặt pháp luật tốt hơn. Thêm nữa là NLĐ có trình độ sẽ được bố trí làm những công việc tốt hơn, thu nhập cũng cao hơn, từ đó họ nỗ lực làm việc và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại" - bà Cúc phân tích.
Cũng theo bà Cúc, khi NLĐ chưa qua đào tạo, chưa có kỹ năng nghề và có trình độ văn hóa thấp thì sẽ phải làm những công việc lao động chân tay. Thu nhập vì thế cũng không cao nhưng làm hợp pháp thì phải đóng các loại thuế, bảo hiểm nên số dư dôi không nhiều. Đặc biệt, khi sang các nước có nền kinh tế phát triển, tác phong công nghiệp phải chuyên nghiệp, đúng giờ, đủ năng suất… trong khi NLĐ xuất phát thấp thường "thích thì làm, chán thì nghỉ" như ở quê nhà nên dễ rơi vào chán nản, cảm thấy bị bóc lột, áp bức. Nhưng khi trốn ra ngoài, họ dễ kiếm việc làm và những công việc đó cũng phù hợp với tính cách "thích thì làm" của họ.
Bình luận (0)