Riêng trong năm 2016, có hơn 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, tới Đài Loan (Trung Quốc) trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và Ả rập Xê út có trên 4.000 lao động.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài Ảnh Internet
Cùng với đó, tính đến hết tháng 12-2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp (DN) có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với sự đầu tư bài bản, nhiều DN đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 20 DN đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nguồn xuất khẩu lao động (XKLĐ) của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Nhận thức và chất lượng của người lao động (NLĐ) thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi.
Trong khi đó, về phía DN, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người đi XKLĐ và tình trạng này chậm được khắc phục. Thậm chí, có DN được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà "khoán trắng" cho các trung tâm. Mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động do chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc DN triển khai nhưng công tác quản lý của DN lại thiếu chặt chẽ. Chính vì vậy, nhiều khó khăn, bức xúc của NLĐ đi làm ở nước ngoài không được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, sẽ đưa được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo. Để đảm bảo mục tiêu trên, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Bộ sẽ xây dựng những quy định, điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những DN thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng quy định cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm. Hết thời hạn đó, doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép… Cùng với đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ xử lý nghiêm các DN dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các DN hoạt động kém hiệu quả.
Bình luận (0)