Mới đây, tại TP HCM, Viện Công nhân và Công đoàn (CĐ) - Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) tổ chức hội thảo "Tăng cường liên kết hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật và CĐ Việt Nam đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định của pháp luật". Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy quyền lao động và quyền CĐ trong các hội khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAF triển khai thực hiện.
Cần một điểm tựa tin cậy
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và CĐ, cho biết cả nước có gần 500 hội ở cấp trung ương và hơn 52.000 hội cấp địa phương với hàng triệu hội viên. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu về kết nối, đại diện, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thành viên và tham gia phản biện xã hội đã được ghi nhận, hoạt động hội còn những hạn chế cần được thay đổi. Tiêu biểu là hầu hết các hội chưa tập trung vào chức năng đại diện, bảo vệ hội viên, trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến quyền lợi của hội viên bị xâm phạm nhưng không được bảo vệ. Do đó, dự án tập trung góp phần giải quyết các vấn đề phát huy vai trò, nâng cao năng lực đại diện của hội, song song đó là CĐ liên kết hiệu quả với các hội để bảo vệ hội viên tốt nhất.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Đông y Hải Phòng, cho biết hiện nay hội có khoảng 1.000 hội viên, trong đó số hội viên được gia nhập tổ chức CĐ chỉ khoảng 200 người, còn lại là lương y làm việc riêng lẻ. Với đặc thù ấy, hoạt động của hội đã tập trung vào việc chăm sóc hội viên và tham gia đào tạo, tư vấn, nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền... Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng bà Tâm nhìn nhận vẫn nảy sinh những vấn đề liên quan đến quyền lợi của hội viên mà hội chưa làm tốt được.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, chia sẻ dự án
Bà Tâm dẫn chứng câu chuyện cụ thể xảy ra cách đây không lâu. Hai hội viên của hội là mẹ chồng - nàng dâu (đều là lương y), người mẹ chồng có bài thuốc trị bệnh gan rất tốt. Một lần, người con dâu dùng chính bài thuốc của mẹ chồng để chữa trị cho một đứa trẻ. Khoảng 1 tuần sau, đứa trẻ đến bệnh viện điều trị viêm phổi và tử vong không rõ nguyên nhân. Khi bác sĩ hỏi gia đình trẻ có uống bài thuốc dân gian nào không thì người nhà nói rằng có uống thuốc do người con dâu đưa. Dù sự việc chưa rõ ràng song sức ép dư luận khiến cô con dâu uất ức và tự tử. Người mẹ chồng cũng suy sụp tinh thần và ra đi không lâu sau đó. Đến khi được "minh oan" thì mọi việc đã xong. "Xảy ra vụ việc đau lòng như thế, chúng tôi cho rằng hội chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi hội viên. Vì vậy, các hội có liên quan đến nhau cần liên kết để tăng thêm sức mạnh. Mặt khác, mỗi hội đều cần có CĐ riêng để đứng ra bảo vệ hội viên" - bà Tâm chia sẻ.
Vì mục tiêu chung
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe talk show "Liên kết hiệu quả và cùng có lợi" trao đổi về cách thức hợp tác giữa các hội và tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM, cho biết hội được thành lập với mục tiêu hỗ trợ hội viên nên ngay từ đầu thu hút được 400 hội viên nhưng do hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, không thể phát huy vai trò nên nhiều hội viên đã rời đi. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia dự án và kết nối với các tổ chức khác như CĐ ngành hàng hải Việt Nam, LĐLĐ TP HCM, hoạt động hội đã khởi sắc hơn, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên cũng góp phần xây dựng pháp luật, hội viên đã tăng trở lại. "Thuyền viên hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt. Mặt khác, khi làm việc trên tàu nước ngoài, họ cần phải có thỏa ước lao động tập thể, cần một đại diện chính danh để xây dựng, ký kết bản thỏa ước này. Vì vậy, để bảo vệ họ, chúng tôi đã đề xuất thành lập Nghiệp đoàn Thuyền viên Việt Nam. Mong rằng trong thời gian tới, nghiệp đoàn sẽ sớm ra đời" - ông Thư bày tỏ. Ông Thư cũng cho biết thêm thời gian qua, do đại dịch Covid-19, nhiều thuyền viên bị kẹt ở nước ngoài. Vừa qua, phía Malaysia đã chấp thuận tạo điều kiện cho thuyền viên quá cảnh về Việt Nam, song bên Việt Nam phải xin được giấy phép đồng ý từ Sở Y tế TP HCM, tìm được nơi cách ly tự trả phí, được cảng hàng không Tân Sơn Nhất tiếp nhận chuyến bay. Tại talk show, ông Tâm kiến nghị ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, có biện pháp hỗ trợ để thuyền viên sớm được về nước. Đề nghị này được ông Vũ ghi nhận. Theo ông Vũ, các hội và tổ chức CĐ có cùng mục đích bảo vệ đoàn viên, hội viên, vì vậy việc liên kết trong các sự việc cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả liên kết và không bị chồng chéo, mỗi bên cần đặt hàng các phần việc cụ thể, ví dụ trong công tác tuyên truyền hay đào tạo nghề, CĐ sẽ làm gì và hội sẽ làm gì.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc liên kết giữa các hội và tổ chức CĐ trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết. "Bộ Luật Lao động năm 2019 đã có nhiều nội dung mới để hỗ trợ việc liên kết này, cụ thể là phạm vi của bộ luật cung cấp sự bảo vệ đến lao động ở cả khu vực phi chính thức; về quyền lợi cũng nhấn mạnh của các nhóm lao động đặc thù, trong đó, rất nhiều hội viên của các hội. Bộ Luật Lao động năm 2019 không trực tiếp nhưng mở đường cho việc các văn bản trong tương lai nhằm bảo đảm sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức có cùng mục đích" - ông Bình nhấn mạnh.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Nghiên cứu thành lập CĐ trong các hội
Nhiều hội viên của các hội khoa học kỹ thuật và hội nghề nghiệp cũng là đoàn viên CĐ, do đó CĐ và các hội có chung nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động là thành viên của các hội. Thực tế cho thấy còn có một khoảng trống trong việc liên kết, phối hợp giữa tổ chức CĐ và các hội khoa học kỹ thuật và hội nghề nghiệp. Từ đó, đặt ra vấn đề cần bàn thảo, nghiên cứu và đề xuất về mô hình tổ chức CĐ trong cơ quan các hội, xác định rõ nhu cầu, cách thức, phương thức liên kết, phối hợp giữa CĐ và các hội. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sẽ tăng thêm sức mạnh để bảo vệ tốt quyền lợi cho người lao động.
Bình luận (0)