Nhiều làng quê vốn dĩ thanh bình, yên ả, nay lại thêm phần quạnh hiu vì chỉ còn thấy người già, trẻ nhỏ và những cánh đồng hoang hóa.
Xóm làng quạnh quẽ
Giữa buổi trưa nắng gắt, thôn Đồi Mây vắng lặng bóng người. Trong căn nhà 1 tầng mới xây còn chưa được quét vôi, anh Nguyễn Tất Anh (SN 1968) ngồi lặng im nhìn ra cánh đồng hoang bên ngoài cửa sổ.
Đợt nghỉ tết vừa rồi, căn nhà của anh Anh còn có không khí sum họp. Hết tháng Giêng, vợ anh - chị Nguyễn Thị Chanh lại cùng người làng kéo nhau đi làm bên Đông Hưng, Trung Quốc. Ngước mắt nhìn một lượt từ trần nhà xuống, anh Anh kể: “Căn nhà này mới xây hồi cuối năm ngoái, cũng là tiền do mẹ nó (chị Chanh – phóng viên) đi lao động bên Trung Quốc mang về. Mừng vì được ở nhà mới, nhưng vợ con biền biệt thì vui sướng nỗi gì!”.
Cách nhà anh Anh mấy chục bước chân, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sang cũng đang sống trong cảnh hiu quạnh. Căn nhà của ông bà càng trở nên, trống vắng hơn khi vợ chồng người con trai Nguyễn Văn Sáng đi làm ăn bên Trung Quốc. “Chủ yếu nấu cho bọn trẻ (2 đứa con anh Sáng để lại cho ông bà nuôi -PV), chứ 2 thân già ăn gì mà chẳng xong!” – ông Sang chia sẻ trong khi vợ ông lụi cụi chuẩn bị bữa trưa.
Đã 2 năm nay, vợ chồng anh Sáng cứ biền biệt như thế, vài ba tháng lại thấy về một lần. Hỏi con trai ông và con dâu làm nghề gì bên Trung Quốc, ông Sang chỉ biết mang máng: “Thấy bảo chúng nó làm cùng công ty gì sản xuất hoa nhựa. Chi tiêu chắt bóp lắm mỗi tháng mới được gần 10 triệu đồng”.
Gần 10 triệu đồng – số tiền không lớn so với công sức lao động bỏ ra, nhưng cũng không hề nhỏ đối với người ở nhà trông chờ vào đồng ruộng ở thôn Đồi Mây. Hộ ông Lý Cá Quay (dân tộc Dao) cũng có 2 người đi Trung Quốc lao động. 2 con trai ông mới học hết lớp 8, lớp 9 thì lần lượt bỏ học theo nhau sang Trung Quốc làm thuê. Khác với anh Anh, ông Sang, ông Lý Cá Quay mừng như bắt được vàng, vì: “2 anh em chúng nó đi làm cuối năm ngoái cầm về cho bố mẹ được 60 triệu đồng trả nợ, xây nhà”. Hỏi các con sang bên đó làm gì, ăn ở ra sao, ông Quay chỉ lơ mơ rằng, chúng làm việc cùng nhiều người làng ở một công ty chế biến đông lạnh bên Đông Hưng, Trung Quốc. Công việc là bóc tôm, ăn ở tại công ty, thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 10 triệu đồng.
Giáp với thôn Đồi Mây là thôn Đồi Chè, với 80 hộ và hơn 300 khẩu. Hỏi ra, hầu như nhà nào cũng có người đi lao động ở Trung Quốc. Thôn Đồi Chè là thôn người Dao, quen với việc phát nương, trồng rừng nên khi sang Trung Quốc, họ chủ yếu làm thuê cho các nông trại trồng mía ở Nam Ninh hay phát bạch đàn, chặt dưa hấu cho các chủ trang trại ở Bằng Tường.
Ngay khi ngồi trong quán nước đầu thôn, phóng viên đã chứng kiến cảnh mẹ con chị Bế Thị Lập chia tay nhau để con trai cùng vài thanh niên khác sang Nam Ninh (Trung Quốc) làm vụ mía.
Dễ như... vượt biên sang Trung Quốc
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm “nóng” của tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép, vượt biên sang lao động trái phép tại Trung Quốc.
Qua giới thiệu, chúng tôi gặp Nguyễn Khắc C - một người làm nghề lái đò trên sông Ka Long, Móng Cái. Chúng tôi nhờ đưa sang Trung Quốc làm việc. Tại một quán nước, C bảo chúng tôi ngồi đợi, còn C quay sang “làm việc” với 4 người khác, nghe loáng thoáng thỏa thuận số tiền, thời gian C sẽ đưa họ sang Đông Hưng (Trung Quốc). Xong việc, C quay sang nói với chúng tôi: 4 người vừa rồi được đưa sang Đông Hưng bằng đò với giá 1.300 tệ (khoảng 5 triệu đồng), sang bên Đông Hưng sẽ có người đón rồi đưa đến nơi làm việc với mức lương khá cao. Nếu chúng tôi đồng ý đi cùng thì cũng với giá đó, còn đi 2 người giá là 1.500 tệ. Sang bên kia làm việc có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng, mỗi tháng có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng…
Từ năm 2015 đến nay, Công an Móng Cái, Đầm Hà và các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ đưa người vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Hầu hết những người vượt biên, xuất cảnh sang lao động ở Trung quốc đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định. Phần lớn trong số họ thường trắng tay trở về, thậm chí thêm nợ nần do mất trắng tiền môi giới, lương chưa kịp lĩnh đã bị trục xuất về nước.
Anh Phùn Văn Tài, sinh năm 1994, ở bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm (Đầm Hà) là một trong số những người nhập cảnh trái phép bị các lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giữ vừa được trao trả. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, Tài cho biết: Do ở nhà không có việc làm nên từ năm 2013, nghe theo một người quen giới thiệu, anh đã vay hơn 5 triệu đồng liên lạc với một người Việt Nam ở bên Trung Quốc để tìm việc làm. Bên Trung Quốc tìm việc dễ hơn vì không cần bằng cấp, không cần giấy tờ, chỉ cần có sức khỏe. Đợt vừa rồi, khi sang Đông Hưng, trong thời gian tìm việc làm và chưa kịp đóng dấu sổ thông hành theo quy định nên anh bị công an Trung Quốc bắt giữ hơn 10 ngày.
Ở bản Lý Sáy Chảy có không ít thanh niên trẻ xuất cảnh hoặc vượt biên trái phép sang lao động ở Trung Quốc. Anh Chìu Kim Tuấn, công an viên tại bản cho biết: Do không có việc làm, từ nhiều năm nay, thanh niên trong bản hầu hết đều sang Trung Quốc lao động. Hiện tại, cả bản có khoảng hơn 20 thanh niên thường xuyên lao động bên Trung Quốc.
Chị Vòong Thị Tuyết, ở bản Pạc Này, xã Quảng Đức (Hải Hà) là 1 trong số 36 người bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ vì nhập cảnh trái phép được thả về năm 2016. Chị Tuyết cho hay: “Đầu năm 2016, tôi và một số người nghe theo môi giới đã làm sổ thông hành để sang Đông Hưng và được đưa đến làm việc ở một xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em tại tỉnh Chiết Giang với giá môi giới là 1.300 tệ. Làm ở xưởng được gần 3 tháng với tiền công theo người ta nói là 2.000 tệ/tháng thì tôi bị công an bên đó bắt”.
Trung tá Bùi Quang Bình - Trưởng Công an huyện Đầm Hà cho biết: Người lao động địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu đi theo các con đường mòn ở khu vực Móng Cái, Bắc Phong Sinh (Hải Hà), Hoành Mô (Bình Liêu) và một số ít làm giấy thông hành tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái với mục đích đi thăm thân, du lịch, nhưng thực tế là đi lao động trái phép tại các xưởng sản xuất, các trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp bên Trung Quốc.
Tìm hiểu những gia đình có người đi Trung Quốc lao động tại các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, chỉ có số ít đi xuất khẩu lao động có hợp đồng chính thức, còn lại đa phần là đi chui, tức là không có hộ chiếu, thông hành, visa hay hợp đồng bảo lãnh lao động. Những trường hợp này sang Trung Quốc lao động phải mất một khoản chi phí (khoảng 5-7 triệu đồng) cho người môi giới đón tại Móng Cái, sau đó di chuyển bằng đường bộ hoặc đi đò, và hầu hết là chót lọt.
Dù biết là nguy hiểm, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, nhưng thanh niên nhiều vùng nông thôn, biên giới ở Quảng Ninh vẫn chấp nhận ra đi.
"Lao động trái phép bên Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Năm 2016, tại huyện Hải Hà có 36 trường hợp bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, đến nay mới trao trả 17 người. Số còn lại hiện vẫn phải lao động công ích, chưa được trao trả”- Đại tá Bùi Xuân Hợp - Phó Công an huyện Hải Hà (Quảng Ninh)
Bình luận (0)