Thời gian qua, nhiều người đã thanh toán BHXH một lần để có một khoản tiền nhất định giải quyết nhu cầu, công việc nào đó trước mắt. Thực trạng hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng cũng là một bất lợi cho chính sách BHXH, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội trong tương lai.
Thực tế thi hành Quyết định 176/HĐBT ngày 9-10-1989 của HĐBT vào đầu những năm 1990 có nhiều người lao động (NLĐ) sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH nhưng pháp luật không cho phép.
"Đây là bài học rất đau lòng và minh chứng rõ nhất cho các hệ lụy của người lao động khi hưởng BHXH một lần" –ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.
Việc thanh toán BHXH một lần, ngoài ảnh hưởng đến quyền lợi khi về già của NLĐ thì ngay thời điểm thanh toán họ cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Bởi, hiện nay, theo qui định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nhưng nếu hưởng một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Việc "lĩnh tiền non" chỉ ảnh hưởng quyền lợi của người tham gia BHXH chứ không ảnh hưởng đến quỹ BHXH.
Nhiều người lo ngại, khi tham gia BHXH, đồng tiền trượt giá, họ sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong nhiều năm qua, kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý.
Đơn cử, theo qui định tại Thông tư số 42 thì một người đóng 1 triệu đồng tiền BHXH ở năm 1994 thì đến năm 2017 khi về hưu số tiền này sẽ được điều chỉnh thành 4,4 triệu đồng khi tính mức lương hưu; trong giai đoạn 2003-2006, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 7,4 đến 9,2 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002.
Ngoài ra, khi NLĐ về hưu, được cấp thẻ BHYT, không may ốm đau được thanh toán và có trường hợp khi đi khám chữa bệnh đã được quỹ thanh toán số tiền hàng tỉ đồng. Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết, thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng; trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.
Theo tính toán của các chuyên gia, với những qui định về đóng – hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được đã bao gồm cả tiền lãi, chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8-10 năm. Như vậy, với tuổi thọ của người tham gia BHXH sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm thì rõ ràng quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng là rất lớn.
Trong rất nhiều lần bàn về vấn đề "lĩnh một cục", chuyên gia lao động, tiền lương Đặng Như Lợi cho rằng: BHXH thực chất là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm cuộc sống cho người lao động khi già yếu, hết tuổi lao động, không cớ gì đang khỏe mạnh lại đòi lấy ra. Bảo hiểm hưu trí là cho chính mình, phần đông nộp để hưởng, chứ không phải chia sẻ. Phần chia sẻ cũng có nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 3% cho những người bị đột tử.
Bình luận (0)