Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của hàng triệu lao động tại tỉnh Bình Dương rơi vào cảnh khốn khó, do vậy việc ra đời Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do đại dịch được ví như chiếc "phao cứu sinh". Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan chức năng lẫn NLĐ tại địa phương này gặp phải nhiều rào cản do vướng thủ tục giấy tờ cũng như diễn biến căng thẳng của dịch bệnh.
Vướng đủ thứ
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tạm đóng cửa chống dịch còn công nhân (CN)thì đang "nội bất xuất, ngoại bất nhập" do địa phương thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Tình thế này khiến nhiều CN không thể đến DN ký thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc công chứng các giấy tờ cần thiết để được hưởng gói hỗ trợ.
Do xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 nên Công ty TNHH May mặc Bowker VN (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), đã cho phần lớn NLĐ nghỉ việc, chỉ còn 150 người làm việc theo phương án "3 tại chỗ". Bà Nguyễn Hà Bình, Giám đốc nhân sự công ty, cho biết trong thời gian nghỉ việc, NLĐ vẫn được hưởng 50% tổng thu nhập, không thấp hơn mức lương tối thiểu (LTT) vùng. Công ty cố gắng duy trì việc trả lương cho NLĐ đến giữa tháng 8, nhưng nếu tình hình dịch bệnh không khả quan thì không đủ sức cầm cự. Vấn đề bà Bình lo ngại nhất là công ty hiện có khá nhiều F0 và F1 và việc để nhóm lao động này tiếp cận gói hỗ trợ còn vướng mắc về thủ tục. Hiện công ty có 90 F0 và khoảng 700 F1, có những trường hợp đã xuất viện hoặc đã kết thúc thời gian cách ly nhưng không được cơ sở y tế cấp giấy tờ gì để xác nhận. "Cho dù DN có đầy đủ danh sách nhưng khi làm thủ tục để gửi lên cơ quan chức năng rất khó được chấp nhận bởi thiếu giấy tờ xác nhận" - bà Bình cho biết.
Công nhân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn
Ông Phạm Ngân Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Liwayway Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I), cho biết công ty phải tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 7 do có ca mắc Covid-19, một số NLĐ phải đi cách ly tập trung, số còn lại cho nghỉ việc đến nay. Trong suốt thời gian này, CN vẫn được công ty trả lương bằng mức tối thiểu vùng. Ông Hà cho rằng Nghị quyết 68/NQ-CP rất kịp thời, tuy nhiên khi nghiên cứu hồ sơ để đề nghị được hưởng chính sách thì lại thấy nhiều bất cập. Ví dụ như trong thời gian NLĐ nghỉ việc, công ty vẫn trả LTT theo quy định điều 99 Bộ Luật Lao động và đóng BHXH đầy đủ, điều này đồng nghĩa tháng đó vẫn đang làm việc chứ không thể xem là nghỉ việc không lương. Vì vậy không bảo đảm điều kiện để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19.
Quá tải
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành, sở đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động về đối tượng, điều kiện, hồ sơ, quy trình thủ tục thực hiện; kịp thời thực hiện xác nhận các danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách NLĐ ngừng việc; danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Tuy nhiên, hiện nay, số NLĐ nhận được tiền hỗ trợ còn ít.
Theo ông Cường, việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ tại Bình Dương gặp vướng mắc là do một số nguyên nhân. Chẳng hạn như để được hưởng chính sách hỗ trợ thì NLĐ, chủ DN phải gặp nhau để thỏa thuận một số nội dung như ngưng việc, nghỉ việc hay chấm dứt HĐLĐ nhưng việc tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 thì không ai có thể đi ra ngoài được. Mặt khác, các DN hiện nay lo tập trung cho công tác phòng chống dịch, hoặc làm việc online nên không thể tiếp nhận được hồ sơ của NLĐ. Cán bộ địa phương thực hiện công tác hỗ trợ cũng đang quá tải vì phải tham gia công tác phòng chống dịch. Cũng theo ông Cường, tại Bình Dương có đến hàng trăm DN đã phải đóng cửa tạm dừng sản xuất vì Covid-19 nhưng không nhận được văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước. Điều này đồng nghĩa những DN này không đáp ứng điều kiện để thực hiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho NLĐ bị nghỉ việc vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay nhóm DN hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" có rất đông lao động không tham gia được do vướng bận gia đình hoặc liên quan ca mắc Covid-19. Như vậy, NLĐ ở những DN này bị nghỉ việc do dịch bệnh nhưng lại không thuộc nhóm lao động ở công ty phải tạm dừng hoạt động, không đáp ứng được điều kiện nhóm 4 trong Nghị quyết 68/NQ-CP. Số lượng lao động bị ảnh hưởng này rất lớn, vì theo quy định, DN thực hiện phương án "3 tại chỗ" chỉ cho phép từ 20%-30% lao động ở lại nhà máy làm việc.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất, tất cả các DN ngưng hoạt động kể từ khi địa phương thực hiện Chỉ thị 16 và NLĐ tại các DN thực hiện "3 tại chỗ" nhưng không đi làm đều được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. "Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khi làm thủ tục, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh khuyến khích DN gửi hồ sơ điện tử. Khi tiếp nhận hồ sơ sẽ được giải quyết ngay, chậm nhất trong ngày là có kết quả" - ông Lê Minh Quốc Cường khẳng định.
Bình luận (0)