Sáng 5-5, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo: "Vai trò của Công đoàn (CĐ) trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ).
90% doanh nghiệp không khai báo tai nạn lao động
Nhiều người còn nhớ vụ tai nạn ngạt khí xảy ra chiều 1-1-2016 tại lò vôi khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 8 người chết, 1 người bị thương nặng. Tiếp đó, cũng tại Thanh Hóa, vụ tai nạn sạt lở vách đá ở mỏ đá của Công ty TNHH Tuấn Hùng (xã Yên Lâm, huyện Yên Định) sáng 22-1-2016 đã làm 8 người chết. Trên đây chỉ là 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) điển hình.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác AT-VSLĐ thì điều kiện lao động tại nhiều cơ sở không đáp ứng yêu cầu, nhất là công tác huấn luyện, dẫn đến việc gia tăng TNLĐ cả về số vụ lẫn số người bị nạn. "Qua báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2016, cả nước đã xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn. Số vụ TNLĐ chết người là 799, trong đó 862 người chết và 1.952 người bị thương nặng" - ông Chính cho biết.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ ngạt khí lò vôi ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 1-1-2016 làm 8 người chết, 1 người bị thương
Theo ông Đặng Văn Khánh - Trưởng Phòng Bảo hộ lao động Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - các quy định của pháp luật về AT-VSLĐ ngày càng được hoàn thiện; nhiều doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) có ý thức làm tốt công tác AT-VSLĐ và tổ chức CĐ đã tham gia tích cực, chủ động. Tuy nhiên, tình hình TNLĐ hằng năm càng có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng.
"Theo thống kê, nếu giai đoạn 1995-2005 trung bình có 2.600 vụ TNLĐ/năm, số người chết do TNLĐ 260 người/năm thì đến giai đoạn 2006-2016 đã tăng lên, trung bình 6.000 vụ TNLĐ/năm, số người chết do TNLĐ là 600 người/năm; thiệt hại về tài sản và chi phí điều trị, bồi thường, trợ cấp cho NLĐ bị TNLĐ ước 200 tỉ đồng/năm" - ông Khánh dẫn chứng. Theo ông, đây chỉ là số vụ TNLĐ thống kê được từ khoảng 5%-7% DN có báo cáo hằng năm, còn lại trên 90% DN không báo cáo cũng như chưa thống kê được số TNLĐ xảy ra ở khu vực không có quan hệ lao động.
Ông Nguyễn Khánh Long - Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB-XH - cho biết trước năm 2013, số NLĐ được huấn luyện hằng năm dưới 500.000 trong tổng số gần 18 triệu người làm việc ở khu vực có quan hệ lao động được huấn luyện. Cho dù từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có khoảng 4,5-5 triệu lao động được huấn luyện - tăng gấp 10 lần so với trước đây nhưng vẫn còn khoảng cách quá lớn so với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, từ ngày 1-7-2016, các đối tượng huấn luyện theo quy định của Luật AT-VSLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động với khoảng trên 35 triệu người, nâng tổng số lao động cần huấn luyện lên khoảng 55 triệu người.
Huấn luyện qua loa, chiếu lệ
Ông Nguyễn Khánh Long khẳng định chất lượng huấn luyện mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nội dung huấn luyện chưa gắn với thực tiễn tại nơi làm việc; tình trạng mua bán giấy chứng nhận huấn luyện vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ TNLĐ xảy ra do NLĐ không tuân thủ quy trình làm việc cho thấy chất lượng công tác huấn luyện ở nhiều nơi còn bỏ ngỏ.
Góp ý tại hội thảo, đại diện Công ty CP than Vàng Danh cho rằng cần chú ý đến việc lựa chọn an toàn vệ sinh viên từ tổ sản xuất trên cơ sở tín nhiệm của các thành viên trong tổ, tối kỵ việc áp đặt. An toàn vệ sinh viên phải là người có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục, hiểu biết về công việc mình làm. An toàn vệ sinh viên đều kiêm nhiệm nên cũng cần có chế độ phụ cấp, khen thưởng kịp thời để khuyến khích, động viên.
GS-TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật AT-VSLĐ Việt Nam, cho biết theo điều tra một số vụ TNLĐ điển hình trong 3 năm gần đây, trên 50% xảy ra là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ. Bên cạnh đó, 20% nguyên nhân TNLĐ là do NLĐ vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
"Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên là do công tác huấn luyện AT-VSLĐ chưa tốt, năng lực của cán bộ chuyên trách và huấn luyện còn yếu. Nhiều DN tổ chức tập huấn một cách hình thức để đối phó" - ông Trình nhận xét.
Từ thực tế ấy, ông Trình kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH cũng như các bộ, ngành liên quan và các địa phương nên thường xuyên tổ chức những lớp đào tạo, tập huấn cho các giảng viên và cán bộ chuyên trách về AT-VSLĐ. Các lớp tập huấn nên được tổ chức dưới hình thức chủ động, tích cực. Giảng viên của các lớp tập huấn phải là những người vừa có trình độ chuyên môn giỏi, kiến thức thực tiễn phong phú vừa có phương pháp truyền đạt kiến thức.
Bình luận (0)