Hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) lần thứ nhất, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình (quận 3, TP HCM) vừa phát động chương trình bảo đảm AT-VSLĐ cho 250 công nhân (CN) tại công trường Ever Green (quận 7, TP HCM).
An toàn là trên hết
Tại lễ phát động, ban giám đốc Công ty CP Xây dựng Hòa Bình kêu gọi CN phải đeo dây an toàn khi thi công trên cao, sử dụng dây cứu sinh cho các vị trí cần thiết; dây điện phải được treo cao, móc bằng móc cách điện; dọn dẹp vật tư gọn gàng sau khi thi công; ăn uống, hút thuốc, nghỉ ngơi đúng nơi quy định; kiểm trao giàn giáo trước khi đưa vào sử dụng... Nói về chương trình này, ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Xây dựng Hòa Bình, cho biết: “AT-VSLĐ là công tác được doanh nghiệp (DN) rất quan tâm. Khi tai nạn xảy ra, không chỉ bản thân CN bị ảnh hưởng, gia đình họ mất đi trụ cột mà chính DN cũng gặp nhiều khó khăn”. Ông Hiền cho biết không chỉ đến Tháng Hành động về AT-VSLĐ, công ty mới phát động mà việc này được làm hằng ngày. Trước khi bắt đầu vào công việc, công ty dành 15 phút để báo cáo tiến độ công việc và nhắc nhở toàn thể CN tuân thủ kỷ luật lao động, giữ gìn an toàn cho bản thân.
Công ty CP Xây dựng Hòa Bình có hơn 10.000 CN đang làm việc ở khắp các công trường trên cả nước và ở nước ngoài. Sau lễ phát động AT-VSLĐ tại công trường Ever Green, ban giám đốc công ty và ban chấp hành Công đoàn (CĐ) đưa chương trình đến với tất cả CN ở các công trường còn lại. “Việc nhắc nhở về AT-VSLĐ rất có ý nghĩa với người lao động. Nó giúp CN nâng cao ý thức về an toàn, cẩn trọng trong từng thao tác trong công việc. Tôi nghĩ việc bảo vệ sự an toàn cho bản thân là điều không bao giờ thừa” - anh Lê Chí Thiện, CN Công ty CP Xây dựng Hòa Bình, bày tỏ.
Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu
Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng hoạt động về AT-VSLĐ cho đội ngũ an toàn - vệ sinh viên và góp phần tích cực vào việc thực hiện công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ tại DN, CĐ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã tổ chức hội thi “An toàn - vệ sinh viên giỏi”. Hội thi thu hút 60 thí sinh của 12 đội tham gia. Các thí sinh trải qua 4 vòng thi: tự giới thiệu về đơn vị bằng kịch, tiểu phẩm, hoạt cảnh; trắc nghiệm kiến thức về AT-VSLĐ phòng chống cháy nổ; thuyết trình các giải pháp, sáng kiến về công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ đang áp dụng tại đơn vị mang hiệu quả tốt cho người lao động và thực hành sơ cấp cứu.
Bà Lê Thị Thiên Trang, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, cho biết: “Hội thi nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, chế độ chính sách về AT-VSLĐ, vận động CN tích cực tham gia thực hiện công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, chúng tôi muốn tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, xây dựng văn hóa an toàn trong DN”.
Hưởng ứng Tháng Hành động về AT-VSLĐ, LĐLĐ quận 1, TP HCM cũng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận tổ chức hội thi “An toàn - vệ sinh viên giỏi, sơ cấp cứu” với sự tham gia của 160 thí sinh thuộc 20 đơn vị, DN, nghiệp đoàn xe ôm. Các thí sinh trải qua 2 vòng thi: trắc nghiệm kiến thức và thực hành sơ cấp cứu về các tình huống xảy ra tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông. Ông Trần Hùng Vỹ, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm phường Nguyễn Thái Bình, thông tin: “Khi chở khách dù cố gắng giữ an toàn đến mức cao nhất nhưng khó tránh tai nạn xảy ra hoặc thỉnh thoảng chúng tôi hay bắt gặp các tai nạn giao thông trên đường. Vì thế, các kỹ năng sơ cấp cứu là vô cùng cần thiết. Không chỉ có người đi thi mà các anh em khác cũng được huấn luyện các kỹ năng an toàn, sơ cấp cứu để có thể sử dụng khi cần”.
Ông GIANG VĂN NAM, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động
Trong Tháng Hành động về AT-VSLĐ, các cấp CĐ phối hợp với các đơn vị tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về AT-VSLĐ; tuyên truyền đến người sử dụng lao động và người lao động các chính sách về AT-VSLĐ; tổ chức các chuyên đề, thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất - kinh doanh phải xây dựng và triển khai cụ thể chương trình hành động về AT-VSLĐ; xây dựng, rà soát, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn; tổ chức tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro đối với từng thiết bị; kiểm định máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Bình luận (0)