Là doanh nghiệp có đông công nhân (CN) và trải qua nhiều lần thay đổi lãnh đạo nhưng nhiều năm qua, quan hệ lao động tại Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (quận Tân Phú, TP HCM) luôn hài hòa, ổn định. Kết quả đó có được là nhờ sự đồng lòng của cả tập thể, từ ban giám đốc, các đoàn thể đến người lao động (NLĐ), đặc biệt là đóng góp không biết mệt mỏi của ông Nguyễn Văn Chức trong vai trò Chủ tịch Công đoàn.
Làm lại từ con số 0
Thời điểm ông Chức được bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở (năm 2010) cũng là lúc doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa nên tâm lý NLĐ cũng bất ổn. Bên cạnh đó, việc 14 thành viên trong ban chấp hành Công đoàn cũ đồng loạt xin thôi làm khiến ông Chức gặp không ít khó khăn, bởi gần như phải làm lại từ đầu.
Nhiều năm theo dõi hoạt động Công đoàn ở vai trò Phó Bí thư Đảng ủy công ty cũng như từng làm quản đốc sản xuất, ông hiểu vấn đề NLĐ quan tâm nhất là việc làm và thu nhập. Do vậy, khi DN chuyển đổi hình thức trả lương (từ thâm niên sang vị trí công việc), ông Chức đã cố gắng thuyết phục ban giám đốc bảo đảm quyền lợi cho những CN lâu năm, giúp họ an tâm cống hiến. Ở những thời điểm hàng hóa tiêu thụ chậm, CN ở một số bộ phận thiếu việc làm, ban chấp hành Công đoàn đã đề xuất DN tạm thời điều chuyển họ sang làm tại các đơn vị khác để giảm thiểu tình trạng phải nghỉ luân phiên, nghỉ chờ việc, ảnh hưởng thu nhập. Ngoài ra, ông Chức còn thuyết phục thành công ban giám đốc trích quỹ dự phòng tài chính của công ty để bảo đảm thu nhập cho CN trong trường hợp đơn vị gặp khó khăn. Nhờ vậy mà trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021, CN không tham gia sản xuất "3 tại chỗ" vẫn được hưởng 70% lương trong 2 tháng 7 và 8. Riêng CN làm "3 tại chỗ" được tăng từ 1-2 bậc lương trước niên hạn và hưởng thêm 100.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Chức nhận Giải thưởng 28-7 do LĐLĐ TP HCM trao tặng
Hướng đến mục tiêu ổn định căn cơ đời sống NLĐ, hằng năm, Công đoàn cơ sở đã tổ chức lấy ý kiến CN để thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với DN. Nhờ đó, dù DN nhiều lần thay đổi lãnh đạo chủ chốt nhưng chế độ đãi ngộ NLĐ vẫn được duy trì. Chẳng hạn như ngoài các khoản thưởng thâm niên, danh hiệu thi đua, thưởng các ngày lễ, Tết, thưởng sáng kiến, cuối năm NLĐ được thưởng lương tháng 13; lao động nữ được phụ cấp nuôi con dưới 6 tuổi 150.000 đồng/tháng; thăm hỏi ma chay, hiếu hỷ, từ 1-1,5 triệu đồng/trường hợp...Đáp lại thiện chí chăm lo của DN, ở thời điểm công ty gặp khó khăn do thiếu hụt lao động, Công đoàn cơ sở đã đứng ra vận động CN làm thêm giờ để hỗ trợ đơn vị. Song song đó, Công đoàn sở kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó kịp thời giải quyết nhanh chóng các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Biết cách hài hòa lợi ích DN và NLĐ, sự nhạy bén ấy của ông Chức đã giúp công ty ngày càng phát triển.
Điểm tựa lúc khó khăn
Từ một đoàn viên tích cực tham gia hoạt động Công đoàn, năm 2017, bà Hồ Thị Ngọc Diệu được tập thể NLĐ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Tân Bình tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở.
Ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ, bà Diệu xác định để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ Công đoàn thì phải làm việc bằng cả cái tâm, lo với cái lo của NLĐ và vui với niềm vui của NLĐ. Từ trăn trở đó, bà Diệu luôn tranh thủ mọi cơ hội để gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, từ đó đề xuất DN kịp thời giải quyết khúc mắc, nâng cao đời sống NLĐ. Trong quá trình thương lượng với DN, nhất là về các vấn đề liên quan đến lương - thưởng, bà Diệu luôn cố gắng lồng ghép quyền lợi của NLĐ vào lợi ích của DN.
Hiểu thành ý của bà Diệu nên ban giám đốc đều chấp thuận những đề xuất, kiến nghị do Công đoàn cơ sở đưa ra. Chẳng hạn, bảo đảm ổn định thu nhập cho NLĐ (bình quân 9 triệu đồng/tháng) khi công ty gặp khó khăn do dịch bệnh hay giá đấu thầu giảm; tăng tiền ăn giữa ca từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng; cấp thêm quần áo bảo hộ lao động; tổ chức cho NLĐ tham quan du lịch hằng năm (kinh phí hơn 500 triệu đồng/năm); tăng tiền hỗ trợ, chăm lo cho CN khi đau ốm, lễ, Tết, ma chay, hiếu hỷ...
Hoạt động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nên công tác chăm lo sức khỏe cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ, được bà Diệu đặc biệt quan tâm. Do đó, hằng năm Công đoàn cơ sở đã phối hợp với công ty tổ chức khám sức khỏe cho tập thể CN và khám phụ khoa cho lao động nữ. Đối với lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ, Công đoàn đề xuất DN bố trí cho họ làm những công việc nhẹ nhàng và nghỉ sớm 60 phút. Để NLĐ an tâm gắn bó với DN và xem Công đoàn là điểm tựa lúc khó khăn, hằng năm, ban chấp hành Công đoàn còn tổ chức nhiều đợt chăm lo CN bị đau ốm, bệnh hiểm nghèo; trao hàng trăm suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh và dụng cụ học tập cho con CN nghèo; hỗ trợ NLĐ vay tiền mua sách vở và quần áo cho con em vào đầu năm học. "Làm được gì cho CN thì tôi luôn hết mình, miễn đời sống của anh em không ngừng được cải thiện và nâng cao" - bà Diệu nói.
Bình luận (0)