Nhận được túi an sinh Công đoàn cùng lời động viên từ LĐLĐ TP Hà Nội mới đây, chị Nguyễn Thị Phương, công nhân (CN) Công ty CP Viha Thống Nhất (huyện Thanh Trì), rất xúc động: "Phần quà tuy giá trị không lớn nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với người lao động (NLĐ). Lúc khó khăn nhất cũng là lúc chúng tôi nhận được sự sẻ chia từ tổ chức Công đoàn". Chị Phương là một trong 80.000 đoàn viên - lao động khó khăn nhận được túi an sinh Công đoàn từ LĐLĐ TP Hà Nội kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư đến nay.
Lấy chăm lo, bảo vệ làm thước đo hoạt động
Đánh giá về kết quả chăm lo đối với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - ghi nhận nỗ lực của các các cấp Công đoàn khi liên tục triển khai các mô hình hỗ trợ thiết thực, sáng tạo, có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của NLĐ trong thời điểm khó khăn nhất. "Bám sát diễn biến của dịch bệnh, các cấp Công đoàn đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh chính sách chăm lo, hỗ trợ phù hợp, từ đó góp phần tích cực cùng chính quyền bảo đảm an sinh cho người dân, nhất là NLĐ trong thời gian giãn cách xã hội" - ông Khang nói.
Bữa sáng cho người lao động tại Công ty TNHH Happy Smart Furnishings Việt Nam Ảnh: CHÂU LOAN
Những mô hình, chương trình chăm lo hiệu quả mà người đứng đầu tổ chức Công đoàn đánh giá cao có thể kể đến như: "Xe buýt 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Túi an sinh Công đoàn", "Đi chợ giúp công nhân"; "Túi thuốc an sinh"; "Túi thuốc cho F0"; "Suất cơm nghĩa tình"; "ATM gạo miễn phí", "Tiếp ứng thực phẩm tận nhà"… Một điểm không khó nhận ra là các mô hình, chương trình nói trên được các cấp Công đoàn thiết kế phù hợp với tình hình chống dịch của các địa phương ở từng thời điểm khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất cho đoàn viên - lao động khó khăn, đặc biệt là đoàn viên - lao động ở các khu vực cách ly, phong tỏa. Bất chấp rủi ro có thể nhiễm bệnh trong quá trình cứu trợ, đội ngũ cán bộ Công đoàn với tinh thần lăn xả đã đến từng doanh nghiệp (DN), đơn vị, khu nhà trọ có CN khó khăn để trao tận tay họ những món quà nghĩa tình. Những chương trình chăm lo càng có ý nghĩa hơn khi các cấp Công đoàn đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ nhiều hơn cho đoàn viên - lao động. Rất nhiều DN, nhà hảo tâm bày tỏ hài lòng khi đồng hành với tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, hỗ trợ NLĐ khó khăn. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, Công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính Công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375 tỉ đồng.
Không chỉ làm tốt công tác chăm lo, qua nỗ lực giám sát thực thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ của các cấp Công đoàn, đã có 1.163.017 đoàn viên, NLĐ tại 27 tỉnh, thành phố được hỗ trợ trên 1.677 tỉ đồng; có 170.640 DN được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỉ đồng.
Hiểu doanh nghiệp và đoàn viên cần gì
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống NLĐ khi không ít DN phải đóng cửa do không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Một số DN đủ điều kiện triển khai mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" gặp khó khăn do chi phí xét nghiệm, tổ chức ăn nghỉ cho CN quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng. Để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ và chia sẻ phần nào khó khăn của DN, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định 3089/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ thực hiện "3 tại chỗ" của DN tại địa bàn các tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, với mức 1 triệu đồng/người (chỉ hỗ trợ 1 lần). Tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.000 tỉ đồng.
Ngay khi Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành chính sách nói trên, LĐLĐ các tỉnh, thành đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên phối hợp với Công đoàn cơ sở thống kê DN thuộc diện hỗ trợ để giúp NLĐ sớm thụ hưởng. Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên và NLĐ, Công đoàn cơ sở thống nhất với chủ DN về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn và chuyển kinh phí hỗ trợ. Tại Công ty TNHH Happy Smart Furnishings Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore II-A, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), nơi có 882 CN đang thực hiện "3 tại chỗ", sau gần 2 tuần triển khai chính sách này, toàn bộ NLĐ hài lòng bởi chất lượng bữa ăn được cải thiện rõ rệt. "Mỗi bữa có 2 món mặn, món xào, món canh kèm theo trái cây và sữa chua nên CN có cảm giác ngon miệng hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, việc được ăn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng cũng là cách để phòng dịch Covid-19 hiệu quả hơn" - CN Võ Thị Châu nhận xét.
Không chỉ NLĐ phấn khởi mà nhiều DN thực hiện "3 tại chỗ" cũng đánh giá cao chính sách này của tổ chức Công đoàn. Tháp tùng cùng đoàn công tác LĐLĐ tỉnh Tây Ninh đến thăm hỏi và trao 670 triệu đồng kinh phí tăng cường dinh dưỡng cho 667 CN "3 tại chỗ" tại Công ty TNHH Luthai (huyện Tân Châu), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nhà đầu tư nước ngoài ở đơn vị này. Trân trọng những tình cảm của tổ chức Công đoàn tỉnh Tây Ninh dành cho CN và DN, ông Zhao Zhen Jiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Luthai, trao đổi: "Thực hiện phương án "3 tại chỗ" rất tốn kém nhưng chúng tôi chấp nhận, tất cả là vì sự phát triển của DN, vì đời sống NLĐ. Ban Giám đốc công ty luôn quan tâm chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ của CN. Với sự hỗ trợ kịp thời này, Công đoàn xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của NLĐ. Ban giám đốc công ty sẽ sử dụng đúng, hiệu quả kinh phí từ Công đoàn hỗ trợ".
Tăng cường hỗ trợ lao động thất nghiệp
Để Nghị quyết 68/NQ-CP phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời NLĐ và DN, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung đối tượng NLĐ chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo khoản 12 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; bổ sung các đối tượng là viên chức, NLĐ trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề... cũng được hưởng chính sách theo quy định tại khoản 4, 5, 6 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị sửa điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg theo hướng NLĐ khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên theo khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là "tại các DN trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; xem xét dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả NLĐ đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để giảm bớt khó khăn cho đối tượng này.
Bình luận (0)