xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lớp học của những đứa trẻ “đánh rơi” con chữ

PHƯƠNG THÙY (BÁO LAO ĐỘNG)

“Con muốn đi học để giúp ba mẹ, để lớn lên đi làm công ty với ba mẹ, có tiền đưa cho ba mẹ và giúp người nghèo. Con ước mơ bà cố con nhìn thấy nữa” - đó là ước mơ của bé Ngọc Mai 9 tuổi, đang theo học chữ tại lớp học miễn phí do công nhân, nhân viên đang làm việc tại các KCN Việt Hương, Việt Nam Singapore trên địa bàn tỉnh Bình Dương đứng ra giảng dạy.

Bình Dương là một tỉnh có nhiều KCN, người lao động từ các vùng quê trên cả nước đều về đây làm công nhân. Nhiều gia đình, bố mẹ đều làm công nhân (CN( nên mang theo cả con cái họ lên đây ở trọ, nhiều đứa trẻ lỡ dở việc học hành. Cũng có không ít những đứa trẻ là mồ côi, hoàn cảnh cực khó khăn lên Bình Dương sống dặt dẹo qua ngày, không có điều kiện đi học.

Dạy chữ cho trẻ em nghèo

Cứ thứ hai đến thứ sáu, từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút, tại ngôi chùa Thiên Phước (KP Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TT.Thuận An, Bình Dương) lớp học miễn phí mở ra dành cho trẻ em nghèo bởi những người CN, nhân viên làm việc tại KCN Việt Hương, Việt Nam - Singapore. Tìm đến lớp học miễn phí dành cho những đứa trẻ nghèo, không có cơ hội tiếp cận với con chữ, vào buổi chiều đầu tuần tôi khá bất ngờ với cách chào hỏi lễ phép cũng như sự ham học tập của các em.

Lớp học của những đứa trẻ “đánh rơi” con chữ - Ảnh 1.

Công nhân dạy chữ cho trẻ em nghèo tại Bình Dương

Lớp học có khoảng gần chục cái bàn và hơn 30 chiếc ghế bằng nhựa được xếp theo nhóm lớp, một chiếc bảng đen to chính giữa lớp học, bàn cô giáo và một bảng chữ cái lớn nằm cạnh bảng đen. Một lớp học khá đơn giản. Khi tôi đến còn cách giờ học của các em khoảng mười lăm phút, những đứa trẻ đang nô đùa rất vui vẻ, một số khác thì ngồi nghiêm chỉnh vào bàn học. Nhìn chúng, tôi nhớ về tuổi thơ của mình được đến trường, được học bàn ghế mới, thơm mùi gỗ mới, sách vở được chuẩn bị chu đáo và được bố mẹ đón đưa. Còn bọn trẻ ở đây, không quần áo tươm tất, không bố mẹ đưa rước, đến mua một cuốn tập mới còn là giấc mơ… Nhưng bù lại, các em rất ngoan và lễ phép, đến bản thân tôi không thể ngờ. "Con chào cô" là lời chào tôi nhận được nhiều nhất khi đến đây, bởi lũ trẻ tưởng rằng tôi là cô giáo mới, rồi chúng kéo ghế mời tôi ngồi cho đỡ mỏi chân. Tôi vui vẻ chào lại các em và không quên kéo ghế lại ngồi cùng, giới thiệu tên mình và nói rằng tới đây để cùng học với các em.

Chúng vui ra mặt vì có một bạn học mới lớn tuổi hơn chúng rất nhiều, lại rất hiền và vui tính. Tôi lấy từ trong cặp ra cây bút và cuốn sổ, nói với các em rằng chúng ta làm quen nhau, bạn nào biết chữ rồi thì ghi ra cuốn sổ này tên tuổi và quê quán của mình. Các em rất hào hứng với cách làm quen này của tôi, đua nhau nói rằng các em biết viết tên mình và muốn thể hiện cho tôi xem. Bắt đầu là bé Ngọc Mai, 9 tuổi, quê Sóc Trăng, mẹ em làm công ty, bố làm thợ hồ và đưa em lên đây ở cùng. Tiếp theo là bé Ánh Trúc, quê An Giang, 11 tuổi, bé Thảo, bé Tiên, bé Châu, bé Đào… các bé đều từ miền Tây theo cha mẹ, ông bà lên đây kiếm sống.

Khi tôi hỏi các em học ở đây lâu chưa thì bé Ánh Trúc, 11 tuổi, quê An Giang, nhanh nhảu: "Con hôm nay là buổi đầu tiên, trước con từng có đi học nhưng nghỉ lâu rồi vì mẹ không có tiền, con phải ở nhà trông em, con có bốn đứa em lận. Ngày ngày mẹ đi làm con phải ở nhà trông em, lâu rồi con không được đi học". Hầu hết chúng đều là con của những CN làm việc ở KCN tại Bình Dương, số khác thì sống cùng với ông, bà vì bố mẹ chia tay nhau, gia đình không hạnh phúc và tất cả các em đều "đứt gánh giữa đường đi học".

Đến giờ vào lớp, các em nhanh chóng xếp hai hàng ngay ngắn, rồi đi vào chỗ ngồi. Các cô giáo cũng mất khoảng mươi phút để ổn định chỗ cho các em vì dù gì các em cũng là những đứa trẻ nên ham quậy, trêu chọc các bạn… Mở đầu buổi học là cô giáo kiểm tra bài về nhà, nêu tên các em buổi trước nghỉ học và đưa ra hình phạt răn đe… Một lớp học khoảng 30 em nhưng được chia làm 5 lớp nhỏ, lớp mẫu giáo dạy cho các em mặt chữ và con số, lớp 1, lớp 2 và lớp 4, lớp 5. Các em nhỏ theo học ở đây hầu hết là các em chưa thông thạo chữ cái và quen hết các con số theo học lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 2. Một số khác là được học hành đầy đủ, được bố mẹ cho học thêm hè ở đây vì thế các em thường là học sinh lớp 4-5. Lớp học chưa có lớp 3. Có khoảng 5 "thầy cô giáo CN" theo dạy lớp chia đều cho các nhóm học.

Trong giờ học các em rất hăng say, nhưng cũng có một số em còn ham chơi chưa nghiêm túc, bị thầy cô nhắc nhiều. Tôi rất ấn tượng với cậu bé Long, lớp mẫu giáo mà cô Trang đang dạy. Khi cô giáo đưa ra phép tính 2 cộng 1 bằng mấy, ngay lập tức có một giọng nói vang lên: "Con biết 2+1=3, thưa cô"."Sao lại bằng 3" - cô Trang hỏi lại

Cậu bé đưa bàn tay lên giơ hai ngón tay và thêm một ngón tay kèm theo "thuyết minh": "Vì 2 ngón tay cộng thêm 1 ngón tay bằng 3".Tuy nhiên, còn có những bé khá chậm hiểu và chậm tính toán, khi cô giáo hỏi 4+1 bằng mấy, em trả lời bằng 4, để giúp em hiểu cô vận dụng luôn ngón tay trên bàn tay mà em vẫn nói bằng 4, lặp lại rất nhiều lần. Cô giáo vẫn kiên trì chỉ dạy, cầm tay chỉ ngón để đếm, đến khi cậu bé trả lời đúng kết quả của phép tính mới thôi.

Ở dãy bàn khác của lớp học, cô giáo Vương đang dạy các em tập viết chữ cái và đánh vần, còn thầy Hìn, cô Hồng dạy các em lớp 4, lớp 5 làm toán, viết chính tả… Nhìn các em học lúc này, tôi lại nhớ đến các lớp học vùng cao, điều kiện thiếu thốn nhưng tinh thần thầy trò đều rất quyết liệt. Thỉnh thoảng cô giáo vẫn phải nhắc các em trật tự, không làm việc riêng hay quay ngang, ngó dọc… Hết giờ học, các em được phát bánh kẹo để ăn, những đứa trẻ ăn ngon lành cùng tiếng cười vui vẻ. Có bé nói để dành sáng mai ăn, nếu ăn bây giờ thì sáng mai không có gì ăn.

Nặng lòng với trẻ thơ

Chia sẻ với tôi, chị Huyền Trang (sinh năm 1991, quê Cà Mau, đang làm việc tại Cty TNHH bao bì Fuhua, KCN Việt Hương, Bình Dương) tâm sự: "Lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo nhóm tôi mở ra, mới hoạt động từ 1.7.2017. Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ các em biết chữ, hiểu biết hơn và sau này có thể học cao hơn để thay đổi cuộc sống. Tôi sống và làm việc ở đây khoảng 10 năm, trước đây, khi học hết cấp 3 rồi lên đây làm công nhân, sau nhiều năm phấn đấu, công việc hiện tại cũng tốt hơn, nhìn những đứa trẻ lang thang, không được học vì nhiều lý do nên tôi muốn giúp đỡ chúng. Ngày xưa vì gia đình tôi nghèo, không được đi học nên bây giờ nhìn các em, tôi thương lắm".

Lớp học của những đứa trẻ “đánh rơi” con chữ - Ảnh 2.

Khi mở lớp học tình thương, các anh chị không biết là sẽ thu hút được bao nhiêu em, các anh chị phải đi phát tờ rơi để thu hút học sinh. Nhiều gia đình, phụ huynh khi nhìn thấy anh chị phát tờ rơi để cho con họ đi học, họ còn nghi ngờ tưởng tiếp thị hay lừa đảo gì đó, rồi có những lời nói, hay thái độ làm các anh chị tổn thương. Có những câu nói, hành động mà đến giờ anh chị vẫn không thể quên khi đi phát tờ rơi. "Mỗi giờ tan ca khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi một nhóm khoảng 5 người chia nhau ra để phát tờ rơi kêu gọi các em đi học. Chúng tôi gõ cửa từng hộ gia đình, gặp từng người đưa tận tay. Có cô chú thì niềm nở nhận rồi bảo sẽ tìm học sinh giúp cho nữa. Nhưng cũng có những người thấy mình chia sẻ thì cầm tờ giấy, nói ừ rồi tiện thay vứt luôn xuống đất. Có người còn không thèm nhìn, không nghe mình nói. Tệ hơn thì họ nói thẳng mặt mình: "Gạt người chứ làm gì có nhóm đó". Rồi sau khi tìm được các em, đủ cho lớp học, khó khăn của chúng tôi là tìm địa điểm để dạy học. Tôi hay lên chùa và khi biết đến chùa Thiên Phước, cũng gần nơi các em sinh sống nên tôi mạnh dạn xin gặp sư thầy và nói rõ mong muốn của mình. Rất may mắn cho chúng tôi là sư thầy đồng ý".

Chị Đoàn Thị Kim Vương (sinh năm 1992, quê Quảng Ngãi, làm CN tại Công ty Maruei, KCN Việt Nam - Singarore) chia sẻ: "Tôi hay lên chùa Thiên Phước làm từ thiện, nên khi gặp được lớp học dành cho các em nghèo, lang thang ở đây tôi đã ngỏ ý đến đây xin dạy cho các em và được mọi người đồng ý. Kiến thức của tôi không nhiều nhưng đủ để dạy cho các em biết chữ. Tôi làm ca một, rồi tăng ca đến 17 giờ hằng ngày nên có thời gian để dạy cho các em. Nhìn chúng lang thang, rồi bỏ học giữa chừng, có em 14 tuổi rồi mà chưa biết chữ, tôi thương lắm. Nên mong muốn mình giúp được các em chừng nào thì giúp, tốt cho các em lại giúp được tương lai của chúng. Các em ở đây giống như em của tôi ở quê, tôi ngày xưa vì gia đình nghèo không thể đi học tiếp, nên tôi hiểu nghèo khổ và vất vả như thế nào. Khi đi dạy ở đây tôi chỉ mong muốn mình giúp hết sức mình, truyền đạt cho các em dễ hiểu nhất, mong các em đều biết chữ và có thể học cao hơn".

"Công việc tôi làm cũng vất vả và mệt, nhưng tôi vẫn ghé vào lớp học để dạy các em. Nhìn các em, biết hoàn cảnh một số em, tôi thương lắm. Mình không có nhiều tiền, thì giúp sức, giúp những điều nhỏ nhoi cho các em. Ở lớp học này tôi thương nhất là bé Tạ Xuân Đào, 14 tuổi rồi mà chưa biết chữ, bố thì mất, mẹ đi lấy chồng khác, em ở với nội mà nội giờ lại bị tai biến không hoạt động được. Hằng ngày, em phải chạy qua bệnh viện gần đây để xin cháo, cơm từ thiện ăn qua ngày. Khi đến đây học, bé rất ngoan và lễ phép, tiếp thu bài tốt và có thái độ tích cực khi học. Hằng tháng, nhóm tôi cũng trích tiền mua gạo, mua bánh kẹo có khi là quần áo cho em. Chúng tôi thương em lắm, nhưng cũng chỉ biết giúp em đến từng ấy" - chị Nguyễn Thị Hồng quê Thanh Hóa, đang làm việc tại KCN Việt Hương, kể.

Trong lớp học tôi ấn tượng với cô bé tên Thạch Thị Ngọc Mai, 9 tuổi, quê Sóc Trăng, theo bố mẹ lên đây sinh sống, bố mẹ em làm CN. Em có đôi mắt đen láy, to, tròn và trong veo, nước da đen vì nắng, quần áo đã cũ, sờn chỉ và nhuốm màu đất. Nhưng tâm hồn em thật sự thánh thiện và thơ ngây. Ngọc Mai kể về gia đình em cho tôi nghe: "Mẹ con làm công ty, ba con làm hồ, con có chị hai, 14 tuổi cũng đi làm công ty với mẹ. Con ở nhà giúp bố mẹ trông nhà, quét nhà và nấu cơm. Con muốn đi học để giúp ba mẹ, để lớn lên đi làm công ty với mẹ, có tiền đưa cho ba mẹ và giúp người nghèo. Con mong giúp người nghèo vì người ta không có tiền, con giúp người ta. Người ta đói, không ai cho ăn, mẹ con bới cơm cho ăn hai tô. Con còn ước mơ bà cố của con nhìn thấy nữa".

Khi chia tay lớp học, tôi hứa tặng bé Mai cuốn tập viết, em vui lắm và nói cảm ơn tôi bằng giọng nói nhẹ nhàng, đôi mắt trong veo cùng nụ cười hạnh phúc. Những đứa trẻ ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và cần được giúp đỡ rất nhiều để có được một tương lai tốt đẹp vì các em là mầm non của đất nước, là trụ cột của nước nhà sau này. Mong cho các em theo học tốt để có cơ hội học lên cao hơn, xây dựng tương lai mình tốt đẹp và ổn định hơn. Những nụ cười, những ánh mắt và câu nói của các em là điều mà bản thân tôi hay bất kỳ ai đến thăm các em đều không thể quên được, nó có sức mạnh kỳ lạ xoáy sâu và tâm tưởng con người.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo