Thấy nhiều gia đình trong huyện có cuộc sống khá giả, ổn định hơn sau khi có con đi nước ngoài làm việc, ông Nguyễn Văn Hóa, ngụ ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cũng tìm hiểu để đưa con trai của mình là Nguyễn Văn Hòa sang Hàn Quốc làm việc mong thoát nghèo. Nhưng có lẽ cha con ông Hóa không may mắn như những gia đình kia khi gặp phải một công ty lừa đảo, không có chức năng phái cử lao động nhưng quảng cáo rầm rộ, nhận tiền rồi tìm cách chiếm đoạt.
Bán đất, bán nhà để trả nợ
Đơn tố cáo gửi đến Báo Người Lao Động của ông Nguyễn Văn Hóa thể hiện từ tháng 6-2016, bà Lê Thị Kim Tiếm, Giám đốc Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana, đã nhận của ông 180 triệu đồng với hợp đồng đưa con trai ông sang Hàn Quốc làm việc. Sau khi ký hợp đồng và nhận tiền đầy đủ, bà Tiếm không thực hiện những điều khoản đã ký mà hứa hẹn, ký thêm phụ lục, làm bản cam kết rồi… bỏ trốn. "Từ lúc nhận tiền xong, bà Tiếm tìm mọi cách lừa dối, không thực hiện như cam kết. Không chỉ khiến chúng tôi tốn kém thời gian, tiền của đi lại từ Quảng Bình vào TP HCM, bà Tiếm còn cung cấp vé máy bay và visa giả mạo" - ông Hóa nói.
Ông Hóa cùng hợp đồng của con trai ông ký với bà Tiếm
Gặp phóng viên, ông Hóa cho biết đã mấy năm rồi, tiền không lấy lại được, con cũng không đi Hàn Quốc được, buộc phải chuyển sang hướng khác. Gia đình ông lại tiếp tục vay mượn để có tiền cho con sang Đài Loan làm việc để làm kiếm tiền gửi về trả các khoản nợ đang chồng chất trước đó.
Trong nhóm của ông Hóa, nhiều gia đình cũng ôm nhiều khoản nợ bởi bà giám đốc lừa đảo Lê Thị Kim Tiếm. "Các gia đình chúng tôi làm nông, cuộc sống vốn nghèo khó nên phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đóng mong cho con đi lao động nước ngoài kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế mà gặp phải kẻ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Vì đa số là tiền mượn, vay nóng, lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con nên nhiều nhà đã phải bán đất, bán cả trâu bò để trả nợ, có nhà phải đi làm thuê làm mướn để có tiền trả nợ" - ông Hóa bức xúc.
Cùng với các gia đình khác, ông Hóa đã 7 lần vào TP HCM để đòi quyền lợi nhưng không thành. Chi phí và công sức mà ông bỏ ra còn lớn hơn cả số tiền mà bà Tiếm chiếm đoạt. Chia tay chúng tôi, ông Hóa đã khóc khi chúng tôi hỏi thăm bữa cơm chiều của ông sao chưa thấy nhóm dù trời đã nhá nhem.
Làm ăn lấp liếm
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thị trường Hàn Quốc có 2 loại visa E9 dành cho lao động phổ thông và visa E7 dành cho lao động chất lượng cao, với yêu cầu rất cao về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng. Hiện lao động diện visa E7 thường dành cho lao động có kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề cao và tiếng Hàn tốt, số lao động này thường tự liên hệ với nhà tuyển dụng. Nếu doanh nghiệp muốn đưa lao động diện E7 sang Hàn Quốc phải đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước và được kiểm duyệt rất kỹ.
Trên hợp đồng mà bà Tiếm (đại diện cho Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana) ký với Nguyễn Văn Hòa (con trai ông Hóa) lại thể hiện visa D4-1 (2 năm) và sau đó chuyển đổi lên D2 (4 năm). Theo tìm hiểu của phóng viên, visa D là visa mà phía Hàn Quốc cấp cho công dân nước ngoài đến Hàn Quốc học tập chứ không phải đi làm việc. Điều đáng nói, trên hợp đồng mà bà Tiếm ký với các nạn nhân thể hiện nội dung rất sơ sài, nhiều sai sót về câu chữ, lỗi chính tả… Điều đó cho thấy bản thân bà Tiếm và Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana làm ăn cẩu thả, lấp liếm và mờ ám ngay trên cả hợp đồng ký với khách hàng. Việc thể hiện trên hợp đồng visa D có thể khẳng định, ngay từ đầu, bà Tiếm và Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana đã cố ý lừa khách hàng.
Phóng viên trao đổi với một số công ty có đủ điều kiện phái cử lao động sang Hàn Quốc, họ cho biết không hề biết bà Tiếm cũng như Công ty Quốc tế Hàn Quốc Hana. Khi đọc các hợp đồng bà Tiếm đã ký với nạn nhân, đại diện các công ty này khẳng định các điều khoản trong hợp đồng thể hiện sự thiếu hiểu biết về việc phái cử lao động sang nước khác của bà Tiếm hoặc có hiểu biết nhưng cố ý lừa đảo và bất chấp, làm liều.
Kỳ tới: Nộp tiền một nơi, ký hợp đồng một nẻo
Người lao động nên tìm hiểu kỹ
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng dù được báo chí liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bị lừa trong quá trình tìm đường ra nước ngoài làm việc. Tìm hiểu kỹ, tham khảo nhiều nguồn thông tin, đến tận các trung tâm giới thiệu việc làm của địa phương để nắm thông tin chính xác trước khi ký hợp đồng với công ty dịch vụ. Hiện nay, lao động muốn sang Hàn Quốc có thể liên lạc trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để được hướng dẫn cụ thể.
Bình luận (0)