Ngồi mát ăn bát vàng!
Bài báo dẫn kết luận của UBND TP HCM cho biết ngoài mức lương "khủng" như trên của Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP, lương của chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty này là 1,6 tỉ đồng/năm; lương của giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng 2,2 tỉ đồng/năm, chủ tịch Hội đồng Thành viên 2,4 tỉ đồng/năm...
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh cũng có tiền lương cao bất thường và chế độ tiền lương bất bình đẳng.
Với mức lương quá “khủng” công bố tại kết luận, bạn đọc Hoàng chỉ có thể nói được vài từ: “Trời! Sự thật phũ phàng! Ăn gì mà đoản hậu vậy?". Bạn đọc Minh Tiến bức xúc: “Ngồi mát ăn bát vàng, quả là không sai!”.
Bức xúc trước việc “kẻ ăn không hết người lần không ra”, bạn đọc Xuân Thời nói: “Đất nước ta còn nghèo và càng nghèo vì những lòng tham không đáy. Công nhân lao động lương không đủ thuê một cái nhà chứ đừng nói có cái mà ăn. Đúng ra, mấy cán bộ ăn lương "khủng" phải biết hổ thẹn khi nhận lương chứ, bởi bao lâu nay nhiệm vụ của họ có hoàn thành đâu, TP vẫn cứ ngập nước, nước sinh hoạt vẫn cứ bị lãng phí...”. Bạn đọc Trung Ngôn Nghịch Nhĩ: “Lương mấy quan ngút trời xanh như vậy chỉ làm giàu cho cá nhân, làm nghèo cho đất nước".
Biến độc quyền thành đặc quyền!
Tất cả các doanh nghiệp mà lãnh đạo nhận mức lương " khủng" đều là công ty độc quyền của nhà nước. Tiền, lợi nhuận ở những công ty này không phải do họ làm ra mà là tiền thuế của dân.
Chính vì lý do này mà bạn đọc rất bất bình, không chấp nhận kiểu "ngồi mát ăn bát vàng". Bạn đọc Hồ Tấn Hưng: “Tiền của nhà nước, của nhân dân chứ đâu phải tiền chùa. Các cơ quan chức năng sớm thu hồi số tiền thất thoát, đồng thời phải truy tố những quan chức liên quan, như thế đất nước ta mới thật sự trong sạch, phát triển”.
Câu hỏi mà nhiều bạn đọc đặt ra là vì sao lãnh đạo các doanh nghiệp lại có mức lương cao như vậy trong khi vẫn phải áp dụng theo thang bảng lương nhà nước. Bản thân lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng đâu phải là những CEO hành nghề theo kiểu thuê mướn như ở doanh nghiệp nước ngoài, được trả lương, thưởng xứng đáng dựa trên hiệu quả công việc mang lại?
Vì thu nhập thấp, công nhân KCN Tây Bắc - Củ Chi phải ăn những bữa ăn đạm bạc thế này. Ảnh: Hồng Đào
Trong ý kiến của mình, bạn đọc Trần Danh nhìn nhận: "Nguyên tắc "phân phối của cải theo sức lao động" hình như trở nên vô nghĩa ở doanh nghiệp độc quyền. Công nhân thoát nước làm việc vất vả trong môi trường độc hại mà lương bổng chẳng được bao nhiêu, còn các vị quan chức này hưởng quá nhiều so với sự đóng góp của họ".
" Đến bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao mình cứ bì bõm kiếm ăn mà vẫn thiếu và tại sao mưa nước vẫn ngập, điện đường ngọn xanh ngọn ngủm" - Sao Khuê "Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Đường sá toàn ổ voi ổ gà. Cầu cống hễ mưa là ngập. Nước thải không thoát. Thế mà giám đốc lãnh lương "khủng", gấp 41 lần công nhân viên! Không thể tưởng tượng nổi!" - Thanh Loan "Quá bất bình đẳng, người làm trực tiếp lương dưới đáy xã hội, người ngồi chỉ tay lương cao 9 tầng. Sướng thật !" - Khoahcn "Lương thì cao ngút mà tình hình nước thải và thoát nước thành phố vẫn là vấn đề muôn thuở, người dân than phiền, nhà nước thì đang khó xử. Thử hỏi nhận đồng tiền đó có sướng hay không?" - Võ Thanh Huy "Ở đây tôi muốn nói là không nhìn vào mức lương cao, thấp mà xét đến công việc quản lý, điều hành của người lãnh đạo có thực sự đem lại hiệu quả cho cuộc sống của người dân hay không?" - Phan công Thành
"Lương cao ngất trời như thế làm gì không có chuyện tranh giành cố giữ? Chất lượng quản lý công việc thì thuộc dạng kém phát triển, các vị không thẹn hay sao?" - Lê Trung |
Bình luận (0)