Tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức chiều 16-10, vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm góp ý là 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần. Phần đông ý kiến đại biểu tán thành thực hiện theo phương án 1 bởi đây là phương án nhận được sự đồng thuận của người lao động (NLĐ).
Đồng thuận với phương án 1
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hòa - Giám đốc BHXH TP Thủ Đức, TP HCM - cho biết năm 2022, BHXH TP Thủ Đức giải quyết cho 12.797 người hưởng BHXH một lần nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023 số người rút BHXH đã tăng lên 14.086 người.
Qua khảo sát cho thấy lý do khiến NLĐ rút BHXH một lần là cần tiền lo cho gia đình; thấy nhận trợ cấp một lần lợi hơn chờ lương hưu; không tin tưởng vào chính sách hưởng sau này và không thể tiếp tục đóng BHXH. Theo bà Hòa, quy định rút BHXH một lần tồn tại nhiều năm đã góp phần hình thành tập tính "rút bảo hiểm" trong NLĐ. Không ít người xem đây như khoản tiết kiệm để rút ra khi cần, số khác coi đóng BHXH như chơi hụi, góp một thời gian rồi rút ra, sau đó lại nộp, không quan tâm đến lương hưu.
Từ thực tế này, bà Hòa cho rằng nên chọn phương án 1 mà dự thảo Luật BHXH đề xuất, tức chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án này thực hiện theo nguyên tắc không hồi tố, bảo đảm thực hiện các thỏa thuận với NLĐ vào thời điểm họ tham gia, dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người đang tham gia BHXH và có cơ sở đưa chính sách BHXH tiến tới BHXH toàn dân trong tương lai.
"Để mọi hành khách trên con tàu lương hưu về đến đích cuối cùng, cách duy nhất là "chốt đơn" ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia mới là những người sắp bước vào thị trường lao động, sẽ tham gia BHXH lâu dài để có lương hưu" - bà Hòa nói.
Cán bộ BHXH tư vấn chính sách BHXH cho công nhân mất việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cũng cho rằng phương án 1 phù hợp tâm tư nguyện vọng và bảo đảm quyền lợi NLĐ khi tham gia BHXH. Qua thăm dò ý kiến tại công ty, tập thể công nhân đều không tán đồng phương án 2 bởi nó hạn chế quyền lợi của NLĐ và không ai muốn nhận BHXH một lần 50% thời gian đóng.
"Muốn hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, phải cải thiện chế độ hưu trí để NLĐ thấy được lợi ích của chính sách. Cụ thể, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu; có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu nhưng còn khả năng lao động nhằm tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập" - ông Nghiệp đề xuất.
Không ủng hộ việc NLĐ rút BHXH một lần song bà Ung Thị Xuân Hương, Hội Luật gia TP HCM, vẫn lựa chọn phương án 1. Theo bà Hương, nếu muốn hạn chế NLĐ rút BHXH một lần cần thực hiện song song các giải pháp đồng bộ kèm theo để NLĐ an tâm như: tăng cường công tác tuyên truyền; minh bạch nguồn quỹ BHXH và hoạt động đầu tư quỹ; tính tỉ số trượt giá hợp lý; tăng quyền lợi cho người tham gia…
Xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ BHXH
Từ thực tế xử lý vấn đề nợ BHXH ở các đơn vị, bà Nguyễn Thị Minh Hòa chỉ ra một thực tế không phải doanh nghiệp (DN) nào nợ BHXH cũng thật sự khó khăn. Đơn cử như một DN trên địa bàn nợ BHXH 19 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đã thanh tra, xử phạt, thậm chí đề nghị UBND TP HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không khắc phục. Thế nhưng, để đủ điều kiện ký được đơn hàng với đối tác, công ty này lập tức đóng một lần 19 tỉ đồng. "Điều này cho thấy các biện pháp chế tài không đủ sức răn đe" - bà Hòa nhận định.
Bên cạnh đó, theo bà Hòa, hiện có tình trạng NLĐ muốn nghỉ việc để hưởng BHXH một lần trước khi luật BHXH mới có hiệu lực, đã cùng DN thỏa thuận trái luật như, NLĐ vẫn làm việc bình thường nhưng không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH. Thời gian qua, khi đối chiếu dữ liệu của cơ quan BHXH với cơ quan thuế, có đến 13.199/20.000 DN TP Thủ Đức đang quản lý thì có sự chênh lệch lao động, trong đó số người không tham gia BHXH là 381.350.
Trong đó, có những người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, nhưng cũng có trường hợp có tham gia BHXH trước đó không thực hiện trích đóng BHXH. Hiện dự thảo Luật BHXH đã có đề xuất một số biện pháp chế tài để hạn chế tình trạng nợ BHXH như cấm xuất cảnh chủ DN, ngừng sử dụng hóa đơn... song cần thêm các quy định về đối chiếu số liệu giữa các đơn vị để thống kê, kiểm soát việc tham gia đầy đủ BHXH.
Từ việc ách tắc trong công tác đại diện NLĐ khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức Công đoàn thời gian qua, trong đó có vướng mắc liên quan đến quy định ủy quyền của NLĐ cho tổ chức Công đoàn, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng cần có quy định tổ chức Công đoàn đương nhiên được thay NLĐ khởi kiện, không cần ủy quyền. Bởi nợ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật, nên mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý. Do đó, tổ chức Công đoàn có thể khởi kiện DN nợ BHXH mà không cần NLĐ phải có ủy quyền.
Bình luận (0)