Chỉ cần gõ từ khóa “tuyển điều dưỡng làm việc tại Đức” trên trang mạng tìm kiếm Google sẽ xuất hiện hàng ngàn kết quả liên quan đến nội dung này. Điều đáng nói, nội dung thông tin có vẻ rất giống thông báo tuyển lao động điều dưỡng sang Đức làm việc như chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).
'Cái bẫy' mang tên lương nghìn đô
Trên trang thông tin của công ty V.T (Hà Nội) đăng tải tuyển điều dưỡng đi Đức năm 2017. Theo đó, điều dưỡng viên sẽ có mức thu nhập 2.500 - 2.700 Euro/tháng, 95% học viên xin visa thành công, công ty đã đưa 400 học viên sang học và làm việc tại Đức. Công ty này cam kết thủ tục nhanh gọn, chi phí “nhẹ nhàng”.
Tư vấn cho phóng viên, nhân viên của công ty cho hay, điều kiện tối thiểu là người có nhu cầu đi học điều dưỡng đã tốt nghiệp THPT. Sau đó sẽ được đào tạo tiếng Đức - B1 tại công ty và được đào tạo nghề vào thứ Bảy, Chủ Nhật trong vòng 7 tháng. Sau khi xong visa, học viên sẽ tiếp tục được học tiếng Đức - B2 (6 tháng) rồi chuyển sang trường nghề học từ 1 - 3 năm. Kết thúc chương trình học bên Đức, công ty cam kết công ăn việc làm cho học viên, mức lương tương đương với người ở bản xứ khoảng 60 - 80 triệu đồng.
Với quy trình “đào tạo - tìm việc làm” khép kín, nhân viên công ty này đưa ra mức phí học tiếng là 23 triệu đồng, chứng chỉ nghề 8 triệu đồng, phí dịch vụ là 7.500 Euro. Ngoài ra, học viên phải đảm bảo số tiền 6.660 Euro chi phí trong khoảng thời gian học B2 do đại sứ quán yêu cầu.
Cũng theo tìm hiểu của PV, trong khi Nhật Bản chưa ký kết với Việt Nam về việc tuyển điều dưỡng nhưng trên trang thông tin của một số doanh nghiệp vẫn rầm rộ đăng tải thông tin “tuyển điều dưỡng đi Nhật”. Đặc biệt, các công ty cam kết, công việc có mức lương cao, môi trường làm việc tốt.
Lần theo thông tin đăng tải trên mạng, trong vai người có nhu cầu tìm mối đi làm điều dưỡng ở Nhật, phóng viên gọi đến số 098938xxx thì được một người đàn ông cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa có quyết định cho các doanh nghiệp đưa điều dưỡng đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, trong thời gian tới họ sẽ chính thức thông qua và các công ty đang tạo nguồn ứng viên trước để khi có chính sách, bên mình làm hồ sơ đi luôn”.
Khi phóng viên gặng hỏi vì sao vẫn đăng tải thông tin tuyển điều dưỡng trong khi phía đối tác chưa có chương trình hợp tác, anh này giải thích: “Thời gian học tiếng Nhật khá dài nên trong khi chờ chính sách, hiện tại bên mình đang đào tạo miễn phí, hằng tháng còn tài trợ tiền ăn, ở cho các học viên. Khi có chính sách là ok luôn”.
Theo như lời người đàn ông này, dù chính sách đưa điều dưỡng viên đi Nhật chưa “thông” nhưng công ty cam kết sẽ giúp người có nhu cầu có thể xuất cảnh. Anh này còn cho biết thêm: “Hiện tại ngoài Nhật, bên mình cũng có chương trình đưa điều dưỡng đi Đài Loan làm việc nhưng mức lương bình thường thôi, khoảng 14 - 15 triệu đồng (sau khi trừ chi phí), còn bên Nhật, tối thiểu hằng tháng bỏ ra được 20 - 25 triệu đồng”.
Cẩn thận “sập bẫy” lừa đảo!
Đại diện cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, cục vừa thông báo tuyển chọn 125 ứng viên điều dưỡng đi học tập và làm việc chăm sóc người bệnh tại Đức.
Theo đó, ứng viên phải tốt nghiệp THPT, đã và đang học về điều dưỡng đều được dự thi. Sau khi tốt nghiệp khóa học tiếng Đức tại Việt Nam, các ứng viên được sang Đức học chuyên môn thêm 3 năm. Thời gian học được hưởng trợ cấp và lương làm thêm từ 850 - 1.050 Euro/tháng (theo năm học). Khi tốt nghiệp đi làm sẽ nhận lương từ 2.400 - 2.500 Euro/tháng (tương đương 51 - 65 triệu đồng/tháng).
Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: “Việc tuyển điều dưỡng sang Đức chỉ thực hiện duy nhất tại cục, những công ty, tổ chức khác đứng ra tuyển chọn đều là bất hợp pháp. Dự kiến, thời gian nhận hồ sơ các ứng viên đi Đức làm điều dưỡng sẽ kéo dài đến giữa tháng 6 tới”.
Ông Hương khuyến cáo: “Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh bị lừa đảo vì hiện có một số tổ chức cũng thông báo tuyển dụng ứng viên điều dưỡng đi Đức theo diện thực tập sinh. Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã làm việc với các cơ quan Đức để siết lại việc cấp visa cho những đối tượng này”.
Với việc đưa hộ lý sang Nhật, theo ông Hương, từ tháng 11-2016, Luật việc làm mới của Nhật Bản được thông qua, trong đó mở rộng tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài với ngành hộ lý. Tuy nhiên, hiện phía Nhật Bản đang xây dựng chính sách cho luật này và Việt Nam đang đàm phán với Nhật Bản chưa ký kết gì. Vậy nên nếu tổ chức nào thông báo tuyển hộ lý đi Nhật theo luật mới là không đúng.
Bình luận (0)