“Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, hoạt động Công đoàn (CĐ) gặp vô vàn thử thách, nhiều cán bộ CĐ có lúc phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Song, vượt lên tất cả, họ đã cống hiến hết sức cho Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào của tổ chức CĐ Việt Nam”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã bày tỏ như vậy tại buổi gặp mặt thân mật 180 cán bộ Liên hiệp CĐ Giải phóng miền Nam, công vận Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ở TP HCM vào sáng 26-4.
Thể hiện vai trò, hiệu quả
Ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và cán bộ CĐ, công vận nói riêng qua các thời kỳ, ông Trần Thanh Hải khẳng định cột mốc quan trọng trong lịch sử CĐ Việt Nam là sự ra đời của Hội Lao động Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này đổi tên thành Liên hiệp CĐ Giải phóng miền Nam (ngày 27-4-1961). Sau khi ra đời, hoạt động của CĐ từng bước thể hiện được vai trò, sự sáng tạo và hiệu quả trong tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân (CN); CĐ đã chỉ đạo phong trào đấu tranh của CN lao động miền Nam vươn lên đỉnh cao mới.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ngoài việc chủ động bảo vệ các nhà máy, công sở, CĐ các cơ sở còn vận động CN phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đánh chiếm các mục tiêu trong TP Sài Gòn, giành chính quyền cơ sở, chiếm giữ 6 tòa nhà hành chính trước khi các cánh quân cách mạng tiến vào.
Ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng, CN lao động không chỉ là lực lượng quan trọng để nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất của TP trở lại bình thường mà còn góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững an ninh.
Khôn khéo, bản lĩnh
Buổi gặp mặt cũng là dịp để các cán bộ công vận, CĐ cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là những khó khăn, thử thách trong công tác công vận trong lòng địch.
Kể lại những tháng năm hoạt động công vận đầy gian truân của mình cùng đồng đội, ông Võ Thành Đô (bí danh Năm Đô), nguyên Trưởng Ban Công vận huyện Thủ Đức (trước đây), cho biết nhiệm vụ hàng đầu của Ban Công vận là vận động CN nổi dậy chiếm giữ nhà máy, xí nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn, nguyên vẹn, không cho địch phá hoại. Lúc đó, ban đứng trước muôn vàn khó khăn. Thủ Đức lại là nơi có những cơ sở trọng điểm như nhà máy điện, nước, dệt... mà địch ra sức kìm kẹp nên hoạt động công vận muốn thành công phải khôn khéo và dũng cảm.
Năm 1973, khi được phân công làm trưởng Ban Công vận huyện thay ông Nguyễn Văn Minh (đã hy sinh), ông Đô ra sức vận động CN giác ngộ cách mạng, giới thiệu họ gia nhập nghiệp đoàn tại các công ty, xí nghiệp. “Chúng tôi ngày nghỉ, đêm làm, di chuyển liên tục nhiều nơi nhưng không bao giờ thiếu ăn nhờ bà con không ngại hiểm nguy chở che, tiếp tế. Tinh thần yêu nước, lạc quan của CN đã tiếp thêm động lực cho cán bộ công vận chúng tôi” - ông bồi hồi nhớ lại.
Những lát cắt nhỏ của lịch sử do ông Hai Cần (tên thật là Đinh Khắc Cần), nguyên Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, thuật lại đã tái hiện sinh động bản lĩnh và sự khôn khéo của đội ngũ cán bộ công vận. Sinh ra tại quê hương Bến Tre, đi bộ đội khi mới tròn 20 tuổi, năm 1965, ông trở về Trung ương Cục miền Nam và bắt đầu tham gia công tác công vận ở huyện Củ Chi. Năm 1967, ông bị địch bắt. Trong thời gian bị giam cầm, khi địch tra hỏi “chữ “R” nghĩa là gì, ông bình tĩnh: “Chữ “R” nghĩa là rừng. Ở dưới đây hoạt động không được, tụi tao chạy về rừng. Về rừng tiếp sức thêm, sau đó lại xuống chợ”. Sau khi đất nước thống nhất, ông Hai Cần được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM.
“Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dù gặp vô vàn thử thách, thậm chí phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, nhiều cán bộ CĐ vẫn là biểu tượng của sự kiên trung trong nhà tù Mỹ - ngụy” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Bình luận (0)