Cuối năm 2021, sau khi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chị Nguyễn Thùy Trang (huyện Hóc Môn, TP HCM) chính thức gia nhập nhóm "lao động dịch vụ", do chính quản đốc công ty cũ lập ra. Ban đầu nhóm chỉ có khoảng 20 công nhân (CN) nhưng hiện nay đã hơn 50 người. Bình thường, họ làm việc tại cơ sở may gia công do trưởng nhóm thuê, thỉnh thoảng lại được đưa đi tăng cường cho một số doanh nghiệp (DN), nhất là vào mùa cao điểm.
Chỉ thấy cái lợi trước mắt
Chị Trang cho hay tất cả CN làm việc trong nhóm đều không được ký HĐLĐ và tham gia BHXH, chỉ hưởng lương do trưởng nhóm trả. Với kinh nghiệm hơn 15 năm làm CN may, thu nhập hiện tại không tương xứng với tay nghề, song chị chấp nhận. Bởi ở độ tuổi gần 40, chị khó tìm công việc mới, hơn nữa, nếu làm chính thức cho DN thì sẽ phải tham gia BHXH trong khi mong muốn của chị Trang là hưởng BHXH một lần.
Qua giới thiệu của bạn bè, chị Phạm Thị Dịu (quận 12, TP HCM) cũng gia nhập lực lượng "lao động dịch vụ". Dịu cho biết do dịch bệnh, con còn nhỏ nên chị chưa thể về quê làm hồ sơ xin việc. Trong khi đó, DN tuyển dụng chỉ cần người lao động (NLĐ) nộp CMND (hoặc căn cước công dân). Sau khi được nhận, chị Dịu mới biết đơn vị này hoạt động dưới dạng cho thuê lao động. Cùng với nhiều "lao động dịch vụ" khác, chị được công ty cho thuê lao động đưa đến các DN làm việc. Ở những đơn vị này, chị không được ký HĐLĐ, tham gia BHXH, không có các chế độ phụ cấp, thưởng lễ, Tết như CN chính thức. Bù vào đó, do không bị trừ BHXH nên thu nhập của chị cao hơn CN chính thức, công việc cũng không quá áp lực nên chị tạm hài lòng.
Vợ con, nhà cửa ở quê nên anh Trần Văn Vũ (tỉnh Hà Tĩnh) xác định không gắn bó lâu dài tại TP HCM. Do vậy, mục tiêu chọn việc của anh chủ yếu là lương. "Gia đình tôi ở quê, khi thu hoạch mùa vụ hay có việc đột xuất như cha mẹ, con cái đau ốm thì tôi phải chạy về. Nếu làm CN chính thức thì phải ký HĐLĐ và chịu ràng buộc nhiều thứ, khi nghỉ phải báo trước rất rắc rối. Do vậy, tôi chọn làm việc không chính thức vì lương cao hơn do không bị trừ BHXH" - anh Vũ cho biết.
Người lao động tìm việc tại Ngày hội Việc làm tổ chức ở quận 12, TP HCM
Nhiều hệ lụy
Trong bối cảnh đơn hàng nhiều nhưng lao động khan hiếm, rất nhiều DN lựa chọn phương án sử dụng "lao động dịch vụ". Ông N.V.C - quản lý nhân sự một công ty thực phẩm tại quận Tân Phú, TP HCM - cho biết do khó tuyển CN nên nhiều DN phải thuê lại lao động từ các đơn vị cho thuê lao động. Với lực lượng lao động này, DN chỉ bố trí công việc, còn tất cả chế độ của họ (lương, thưởng, BHXH…) do bên cho thuê chi trả. Theo ông C., việc thuê lao động phần nào bù được lượng lao động thiếu hụt, nhất là trong mùa cao điểm. Đồng thời, khi gặp khó khăn về đơn hàng, công ty cũng dễ dàng cắt giảm lao động. Thế nhưng, khi lựa chọn phương án sử dụng lao động nói trên, DN phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Đầu tiên là không kiểm soát được chất lượng lao động đầu vào. DN yêu cầu NLĐ có trình độ học vấn 9/12 trở lên, hồ sơ đầy đủ, lý lịch rõ ràng, song các công ty dịch vụ lại cung cấp người không biết chữ, có người đang làm việc bỗng ngất xỉu, sau khi tìm hiểu mới biết họ sử dụng ma túy đá… Lao động dịch vụ thừa hiểu họ không phải là CN chính thức nên làm việc không hết mình, dẫn đến năng suất lao động thấp.
Phân tích lý do vì sao NLĐ không đến DN ứng tuyển trực tiếp mà lại thông qua đơn vị cho thuê lao động, ông T.T.H, trưởng phòng nhân sự một DN tại quận 12, cho rằng vì điều kiện tuyển đơn giản và thu nhập cao. "Lương cơ bản của CN mới do công ty tôi trực tiếp tuyển gần 4,8 triệu đồng/người/tháng trong khi nếu thuê lại thì phải trả cho công ty dịch vụ 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đa phần các DN cho thuê lao động không đóng BHXH cho NLĐ nên sau khi trừ chi phí, lương "lao động dịch vụ" sẽ cao hơn lương CN chính thức tại công ty. Tôi từng đề xuất công ty nâng mức lương cơ bản cho CN mới lên 5,5 triệu đồng/tháng để thu hút lao động nhưng không được chấp nhận. Lý do là nếu trả mức lương này cho CN mới thì công ty sẽ tốn thêm chi phí, nhất là khoản trích nộp BHXH, BHYT" - ông H. cho biết.
Dễ mất trắng
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - chia sẻ "Lao động dịch vụ" là một hình thức lách luật, biến tướng bởi Bộ Luật Lao động không quy định hình thức lao động này. NLĐ dạng này phải đối diện với nhiều nguy cơ, nhất là bị quỵt lương. "NLĐ chọn hình thức làm việc này phần vì thiếu hiểu biết, phần vì lợi ích trước mắt, nếu xảy ra tranh chấp thì cơ quan chức năng rất khó can thiệp, bảo vệ quyền lợi bởi không có cơ sở, chứng cứ (HĐLĐ, sổ BHXH, thông báo, quyết định...). Mặt khác, do không tham gia BHXH nên khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, NLĐ sẽ không được hưởng bất cứ chế độ gì" - ông Phương khuyến cáo.
Bình luận (0)