Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện tiền lương, thu nhập của lao động ngành dệt may còn thấp, thời gian làm thêm giờ, tăng ca nhiều, đời sống khó khăn. Họ phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, thiếu an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và bệnh nghề nghiệp cao...
Tiền lương chỉ đáp ứng 75%-80% mức sống tối thiểu
Theo kết quả nghiên cứu thực trạng điều kiện lao động ngành may Việt Nam do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện, hiện nay cả nước có 5.213 doanh nghiệp (DN) dệt may; số lượng lao động là 2,5 triệu người, trong đó 80% là nữ. Tiền lương cơ bản của công nhân (CN) may thấp, trung bình chỉ đạt 4.332.000 đồng/tháng, chỉ đáp ứng 75-80% mức sống tối thiểu.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, ngành may là điển hình của việc tăng ca nhiều. Cụ thể, CN ngành may tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi quy định của pháp luật là 30 giờ/tháng. Trung bình thu nhập từ tăng ca là 1.336.000 đồng/người, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập. Trong khi pháp luật quy định làm thêm giờ của lao động ngành may tối đa là 300 giờ/năm, nhưng thực tế các DN đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm. Bên cạnh đó, CN chỉ được hưởng các khoản phụ cấp thấp.
Vận động công nhân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật là thế mạnh của các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Dệt may Gia Định
Theo đó, CN có cơ hội được hưởng 8 khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác (tiền chuyên cần, nhà ở…), trung bình khoảng 300.000 đồng/tháng, thấp nhất trong các ngành thâm dụng lao động. CN chỉ được nhận lương thấp nhưng thường xuyên bị vi phạm. Có tới 60-70% các DN không tuân thủ các quy định về trả lương tăng ca, ngày nghỉ hưởng lương. Lương thấp là nguyên nhân của 80% các cuộc đình công.
Trong khi đó, giá trị bữa ăn ca thấp, không đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của Viện Công nhân - Công đoàn, giá trị bữa ăn của ngành dệt may chưa đạt được mức khuyến cáo tối thiểu của Tổng LĐLĐ Việt Nam (15.000 đồng/suất), thấp nhất trong 10 ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Doanh nghiệp vắt chanh bỏ vỏ
Thực tế cho thấy, lao động trong ngành dệt may có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) bất cứ lúc nào, nên họ luôn trong tình trạng hoang mang, bấp bênh. Báo cáo tổng hợp về tuân thủ lần thứ 9 (tháng 4-2017) của Better Work Việt Nam cho thấy, một trong số 10 vi phạm phổ biến nhất chính là chấm dứt HĐLĐ.
Còn một chủ tịch Công đoàn (CĐ) của một DN tại Đồng Nai cho biết, công ty anh hiện nay có 2.418 lao động, có độ tuổi trung bình là 34 và mức thu nhập bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng. "Với 16 năm hoạt động, thì đây là thời điểm công ty đang thực hiện thay máu lao động, dịch chuyển sản xuất. Sau chừng đấy năm hoạt động, đến thời điểm này, đại đa số người lao động (NLĐ) đã ở độ tuổi trên 30, sức khỏe đã bắt đầu suy giảm, không còn nhanh nhạy như trước. Hơn nữa, họ còn vướng bận gia đình nên chủ DN không muốn giữ lại. Bằng chứng là công ty tôi đã ngừng ký HĐLĐ đối với lao động có hợp đồng xác định thời hạn. Không phải là họ gặp khó khăn nên ngừng ký HĐLĐ, bởi lẽ họ còn mở rộng sản xuất sang các khu vực khác" - chủ tịch CĐ cơ sở này cho biết.
Theo chủ tịch CĐ này, khi NLĐ đã trên 30 tuổi, thường chủ DN sẽ tìm cách chấm dứt HĐLĐ để tuyển những lao động trẻ hơn, sức khỏe tốt hơn, trả lương ít hơn. "Nhiều DN đang áp dụng hình thức là thay tên công ty. Theo đó, họ chỉ cần thêm 1 dấu chấm vào tên công ty là đã thành công ty khác, sang chủ khác thì họ có quyền ký tiếp lao động cũ hay không. Thường thì họ sẽ tuyển lao động mới trẻ hơn, khỏe hơn, trả lương thấp hơn".
Những lao động bị chấm dứt HĐLĐ rất khó kiếm được công việc khác khi tuổi đã cao, sức khỏe đã suy giảm. "Nhiều lần tôi chứng kiến những CN nữ dệt may, chửa vượt mặt, vừa đi vừa khóc vì bị chấm dứt HĐLĐ. Lúc này, họ đang mang thai nên không thể kiếm được công việc khác, khiến cuộc sống rất khó khăn" - chủ tịch CĐ này chia sẻ.
Bình luận (0)