“Qua ghi nhận sau khi thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT thì người dân các tỉnh lân cận có xu hướng dồn về các cơ sở y tế cùng tuyến ở TP HCM. Nếu các cơ sở y tế xung quanh không đổi mới thì sẽ mất bệnh nhân trong khi TP HCM lại có nguy cơ quá tải”. Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết như vậy tại hội nghị do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM.
Tăng quyền lợi cho người có thẻ BHYT
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, sau 6 tháng thực hiện Luật BHYT sửa đổi, những quy định liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của người tham gia BHYT đã có tác động mạnh mẽ đến người có thẻ BHYT, quỹ BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB.
Điều dễ nhận thấy trước tiên là những người có thẻ BHYT đã được thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và bảo đảm quyền lợi tại tất cả các cơ sở KCB tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh cũng thuận lợi hơn vì không cần xác nhận tạm trú hay giấy công tác.
Đối với cơ sở KCB, người bệnh được tự do lựa chọn các cơ sở cùng tuyến có chất lượng tốt hơn nên buộc các cơ sở phải nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất để thu hút người bệnh. Tính đến cuối tháng 5-2016, sau 5 tháng thực hiện thông tuyến, các cơ sở y tế tư nhân có số lượt KCB thông tuyến tăng từ 100%-200%.
Bất cập cũng... tăng theo
Bên cạnh mặt tích cực thì quy định về việc thông tuyến KCB BHYT cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Trước tiên, đó là sự cạnh tranh không lành mạnh của một số cơ sở y tế khi tăng cung quá mức dịch vụ để tăng chi phí KCB. Điều này làm cho nhiều người bệnh lầm tưởng cơ sở nào cho nhiều dịch vụ y tế, kê nhiều loại thuốc là chất lượng phục vụ tốt hơn.
“Đó là chưa kể chuyện quà cáp, khuyến mãi đủ kiểu. Có nơi đưa ô tô đi gom người dân về kiểm tra sức khỏe. Chẩn đoán thì rất nhiều, từ đầu đến chân, siêu âm, X-quang, MRI đủ kiểu; kê thuốc thì 7-8 loại trên một đơn thuốc. Phải hiểu là người dân đến KCB chứ đâu phải đến để nhận quà? Nếu cứ làm như vậy thì không có một quỹ bảo hiểm nào chịu nổi!” - ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), than thở như vậy.
Ông nhìn nhận thực tế này dẫn đến hệ quả khác là các cơ sở y tế bị quá tải, chất lượng KCB kém, nhân lực không đáp ứng yêu cầu. Ông Phúc nói: “Khám tai mũi họng lật qua, lật lại 2 phút rồi thu 180.000 đồng; siêu âm thì phải có thời gian để xem, phán đoán chứ làm ào ào thì làm sao mà phát hiện được gì? Có trường hợp người ta cắt túi mật mấy năm rồi mà siêu âm vẫn chẩn đoán mật không sỏi!”.
Khẩn trương “vá” lỗ hổng
Qua kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá dịch vụ y tế thống nhất trên toàn quốc hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc như bệnh viện có nhiều hệ thống bảng giá, nhiều đơn vị công khai bảng giá nhưng chưa đầy đủ và chưa rõ đối tượng áp dụng. Các bệnh viện vẫn thu thêm của người bệnh và đề nghị BHXH thanh toán một số chi phí vật tư y tế, thuốc đã kết cấu vào giá…
Bên cạnh đó, nhiều phòng khám, điều trị không có quạt, điều hòa nhiệt độ, ghế ngồi… trong khi các phần này đã được tính vào giá khám bệnh, giường bệnh. Một số cơ sở y tế vẫn thu thêm tiền đối với chi phí trong phạm vi quyền lợi được chi trả bằng cách yêu cầu bệnh nhân ký cam kết tự nguyện hay giải thích không đúng các khoản chi phí được hưởng.
Để chấn chỉnh tình trạng “bát nháo” này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và đưa ra những định mức như: định mức bệnh nhân trên mỗi bàn khám trong ngày, thời gian khám mỗi người bệnh, tính hợp lý của các chỉ định…
Nếu vượt các định mức này mà cơ sở không giải thích được thì xuất toán. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu từ tất cả cơ sở KCB với cơ quan BHXH trên toàn quốc là yêu cầu cấp bách để góp phần hạn chế tình trạng này.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu thay đổi tư duy từ quản lý sang quản trị bệnh viện mà việc có thể làm ngay là nâng cao chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó là tập trung cải cách hành chính, bắt đầu thực hiện ngay từ việc ứng dụng tin học hóa, kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT với cơ quan BHXH trên toàn quốc. Việc này kỳ vọng sẽ hạn chế việc trục lợi, lạm dụng chỉ định, sử dụng vật tư y tế để tận thu từ quỹ BHYT”.
Bình luận (0)