Trở về sau chuyến nghỉ mát ngắn hạn tại Vũng Tàu, tinh thần của gần 100 công nhân (CN) Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM) hết sức phấn chấn.
Sai thì phải sửa
“Chuyến đi thực sự có ý nghĩa bởi ban giám đốc và tập thể lao động đã tìm được tiếng nói chung để hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ lao động. Tôi nghiệm ra một điều rằng trong mọi vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ), lãnh đạo doanh nghiệp (DN) phải biết mở lòng với anh em CN. Có như vậy, họ sẽ hiểu và cùng chung tay đưa DN đi lên” - bà Lê Nguyễn Anh Thư, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hòa Bình, bày tỏ.
Đi vào hoạt động đã gần chục năm, Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hòa Bình chưa bao giờ xảy ra tranh chấp. Thực tế, ngoài ổn định việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng cho NLĐ, ban giám đốc công ty còn quan tâm, chăm lo cho họ bằng hàng loạt chế độ đãi ngộ cao hơn luật như: phụ cấp nhà trọ, thâm niên, bảo hiểm tai nạn... Do vậy, việc mới đây gần chục CN phản ứng cách điều hành, quản lý của DN, nhất là bố trí làm thêm giờ, khiến bà Thư hết sức bất ngờ.
Từ đầu tháng 2-2017, do đơn hàng từ các tỉnh khá nhiều nên công ty thỏa thuận với CN làm thêm 2 giờ/ngày (từ 16 đến 18 giờ, 2 ngày/tuần). Lao động nữ chiếm đa số ở công ty, lại là dân ngoại tỉnh, không ít người phải chăm con nhỏ nên nhiều ý kiến đề nghị không bố trí họ làm thêm. Thế nhưng, phòng nhân sự đã phớt lờ việc này, vẫn tổ chức tăng ca như kế hoạch. Làm việc với tâm trạng thấp thỏm, lại phải tốn thêm khoản kinh phí gửi con ngoài giờ nên các nữ CN rất bức xúc, nhiều lần gửi đơn đề nghị xem xét lại việc tăng ca. Kiến nghị năm lần bảy lượt nhưng không được giải quyết, hơn 10 lao động “dọa” ngừng việc. Tại buổi đối thoại với số lao động nêu trên, đại diện phòng nhân sự thừa nhận đã cứng nhắc trong vấn đề bố trí nữ CN có con nhỏ làm thêm giờ và nhận lỗi với ban giám đốc.
“Bức xúc của CN là đúng và lỗi là ở phòng nhân sự khi không lắng nghe, giải quyết thấu đáo tâm tư, nguyện của NLĐ. Chỉ cần ngồi lại với nhau, chắc chắn sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra” - bà Thư phân tích. Chuyến nghỉ mát ngắn hạn do CĐ và công ty tổ chức ngay cũng là dịp để các bên hiểu nhau hơn.
Cách đây không lâu, tại Công ty TNHH Kiến Bình (gia công cơ khí, tỉnh Bình Dương) cũng xảy ra tranh chấp do ban giám đốc và tập thể lao động không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tiền lương. Nguyên nhân là khi nâng lương định kỳ, ban giám đốc có dành sự ưu ái cho số CN làm việc lâu năm. Theo đó, ngoài chế độ tiền lương ưu đãi, cứ mỗi năm làm việc, số CN này được hưởng phụ cấp thâm niên 50.000 đồng/người.
Cho rằng ban giám đốc “đối xử bất công”, một số CN mới được tuyển dụng đã lãn công. Tại buổi đối thoại với ban giám đốc, các CN này cho rằng dù vô làm việc sau nhưng năng suất lao động của họ cao hơn, do vậy phải được hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng CN cũ.
Sau khi lắng nghe NLĐ trình bày, ông Cao Kiến Bình, Giám đốc Công ty TNHH Kiến Bình, đã phân tích tính hợp lý của chính sách chăm lo tại DN và yêu cầu họ tiếp tục phấn đấu làm việc. Được nghe giám đốc mở lòng, các CN thừa nhận đã nóng vội và đồng ý trở lại làm việc. “Biết lắng nghe và nhận sai, thái độ ấy của anh em CN rất đáng trân trọng” - ông Bình nhìn nhận.
Triệt tiêu mầm mống tranh chấp
Thực tế, tình trạng đối đầu giữa người sử dụng lao động và NLĐ ở các vụ tranh chấp chỉ mang lại bất ổn lâu dài cho DN. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, chủ động đối thoại để giải quyết các vướng mắc trong quan hệ lao động là xu hướng được nhiều DN lựa chọn.
Công ty TNHH Hansae Vina (100% vốn Hàn Quốc; KCN Tây Bắc; huyện Củ Chi, TP HCM) được đánh giá là một trong những DN có quan hệ lao động ổn định với chính sách tiền lương và đãi ngộ CN hợp lý. Có được điều đó là nhờ ban giám đốc và ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở đã xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống CN. Đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở với tinh thần lăn xả luôn biết cách tư vấn, hỗ trợ ban giám đốc hoàn thiện chính sách chăm lo cho nguồn nhân lực. Thành ý của CĐ cơ sở được ban giám đốc ghi nhận bằng sự chủ động hợp tác giải quyết các kiến nghị hợp lý, hợp tình do CĐ đề xuất.
Sự giao thoa trong suy nghĩ của hai phía đã giúp gần 10.000 CN được hưởng chính sách chăm lo, đãi ngộ căn cơ. Ngoài các khoản phụ cấp đi lại, nhà ở, chuyên cần và thâm niên, tùy vị trí công tác, CN còn được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm và chức vụ. Với chế độ đãi ngộ được quy định trong thỏa ước lao động tập thể và linh hoạt điều chỉnh hằng năm, thu nhập hằng tháng của CN luôn ổn định ở mức 6 triệu đồng/tháng (có tăng ca).
“Qua đối thoại, không chỉ quyền lợi cơ bản của NLĐ được bảo đảm mà phúc lợi của họ cũng dần được cải thiện theo hướng nâng cao. Nếu DN và tập thể lao động cùng nhìn về một hướng, chắc chắn mầm mống tranh chấp sẽ bị triệt tiêu” - ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Hansae Vina, khẳng định.
Ông GIANG VĂN NAM, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Đối thoại thay vì đối đầu
Hợp tác giải quyết bất đồng là điều mà người sử dụng lao động và NLĐ cần hướng đến nếu muốn ổn định quan hệ lao động. Trong bất kỳ tình huống nào, cả hai phía phải thể hiện được tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và chia sẻ. Có như vậy mới thương lượng và giải quyết thành công mọi gút mắc về lương, thưởng. Ngược lại, nếu chọn giải pháp đối đầu, quan hệ lao động sẽ đi vào ngõ cụt.
Bình luận (0)