Tuy nhiên, có lúc có nơi vẫn còn xảy ra một số vụ phản ứng lao động tập thể, đình công mà nguyên nhân sâu xa là do chủ doanh nghiệp (DN) và NLĐ chưa thông hiểu lẫn nhau, quyền lợi NLĐ chưa thực sự được đảm bảo.
Ngừng việc ảnh hưởng cả DN và NLĐ
Mới đây trên địa bàn huyện Nhơn Trạch xảy ra vụ ngừng việc tập thể của 200/603 công nhân Công ty TNHH Boseung (vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất bóng đèn, đã có Công đoàn (CĐ) cơ sở, trụ sở tại KCN Nhơn Trạch 5). Nguyên nhân CN yêu cầu công ty xem xét lại một số chính sách đối với NLĐnhư: tiền chuyên cần, chế độ thai sản, tiền xăng xe… Mặc dù vụ ngừng việc được giải quyết ổn thỏa, công nhân sớm trở lại làm việc, tuy nhiên ít nhiều cuộc đình công vẫn có ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của DN cũng như thu nhập của NLĐ.
Theo LÐLÐ tỉnh, trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công tại 29 DN, trong đó có 3 DN xảy ra 2 lần đình công trong năm. Hầu hết các vụ ngừng việc tập thể, đình công trong thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt như tại Công ty TNHH Dệt sợi Tainan vụ đình công kéo dài đến 28 ngày. Các vụ đình công xảy ra chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (27 vụ) và một số vụ tại DN tư nhân. Trong hơn 2 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ ngừng việc tập thể, đình công.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, tuy nhiên chủ yếu vẫn là do phía người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật lao động. Trong đó có việc chậm trả lương, tăng lương, thực hiện hợp đồng lao động không đúng quy định, chưa xây dựng thang bảng lương, chậm xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, chưa tổ chức hội nghị NLĐ theo Nghị định 60/2013/NÐ-CP của Chính phủ, làm thêm giờ quá quy định, mức thưởng chưa thỏa đáng, chất lượng bữa ăn ca chưa đảm bảo để tái tạo sức lao động…
DN và NLĐ thông hiểu, chia sẻ lẫn nhau
Ðể tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giảm thiểu các vụ ngừng việc tập thể, đình công tại DN, thời gian qua, LÐLÐ tỉnh cùng với các cơ quan quản lý lao động, quản lý DN đã có chương trình phối hợp chặt chẽ trong quá trình công tác. Cùng với việc tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các DN thực hiện tốt quy định pháp luật về lao động, các ngành chức năng cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với những DN để xảy ra đình công xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động…
Theo Phó chủ tịch LÐLÐ tỉnh Ðoàn Văn Ðây, một trong những giải pháp quan trọng mà CĐ tỉnh cùng các ngành chức năng quan tâm thực hiện đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp và Ban chấp hành CĐ cơ sở xây dựng quy chế phối hợp giữa người sử dụng lao động và ban chấp hành CÐ cơ sở. Ðồng thời tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn CÐ cơ sở tại DN trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Các bản thỏa ước cần được xây dựng trên tinh thần ngắn gọn, chặt chẽ, dễ hiểu, chất lượng, hài hòa lợi ích các bên, đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ tại DN thông qua việc tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc. Ðây là mấu chốt quan trọng để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, DN và NLĐ trở nên thông hiểu, chia sẻ lẫn nhau, đồng thuận chung tay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một trong những nội dung mà Tổng LÐLÐ Việt Nam chỉ đạo các cấp CĐthực hiện nhằm chăm lo lợi ích cho đoàn viên trong năm 2017 là việc tích cực chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, CÐCS cần quan tâm đề nghị người sử dụng lao động đối thoại đột xuất đối với những vấn đề mà đoàn viên, NLĐ bức xúc cần giải quyết ngay. Ðó là một trong những cách thức nhằm kịp thời giảm bức xúc, ngăn ngừa những mâu thuẫn có thể phát sinh dẫn đến tranh chấp lao động tập thể, đình công.
Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Thời gian qua, mặc dù các cấp CĐ đã tích cực tác động đến DN trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện nghiêm túc nội dung này. Trong năm 2016, toàn tỉnh mới có 435/1.108 DN có CĐ cơ sở tổ chức hội nghị NLĐ. Tỷ lệ DN tổ chức các hình thức đối thoại tại nơi làm việc có khả quan hơn với 708/1.108 DN, đạt 63,9%.
Bình luận (0)