Mới đây, BHXH TP Hà Nội phối hợp với Bưu điện TP đã tổ chức lễ ra quân vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tại Hà Nội, chính sách BHXH tự nguyện đã thu hút hơn 64.000 người dân tham gia - tăng hơn 12.000 người so với cùng kỳ năm 2021, bằng 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số người tham gia tăng nhanh
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết đến nay, cả nước có 16,822 triệu người tham gia BHXH - tương đương khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 275.500 người so với cuối năm 2021, tăng 686.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,3 triệu, tăng 170.900 người so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, tham gia chính sách BHXH tự nguyện, người lao động (NLĐ) tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già.
Nhiều chuyên gia BHXH cho rằng sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, với số lượng người tham gia như trên vẫn là con số khá khiêm tốn so với dư địa trên 17 triệu người thuộc đối tượng tiềm năng. Nguyên nhân được cho là do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức và các hạn chế ngay trong chính sách.
"Nếu như BHXH bắt buộc có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. NLĐ ở khu vực phi chính thức cũng thường bị ốm đau, thai sản; thất nghiệp lại có xu hướng tăng cao. Do đó, nếu không mở rộng quyền lợi cho NLĐ thì sẽ khó thu hút được họ tham gia BHXH tự nguyện" - một chuyên gia nhận định.
Để bảo đảm cuộc sống khi về già, các chuyên gia nhìn nhận với những lao động tự do, quyết định tham gia BHXH tự nguyện là quyết định "lợi đủ đường". Bởi sau này già yếu, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe và sống không phụ thuộc con cháu.
Chỉ 2% lao động phi chính thức tham gia BHXH
Theo đại diện BHXH Việt Nam, qua từng giai đoạn, ngành này đã có những giải pháp phù hợp để phát triển BHXH tự nguyện. Sau khi Nghị quyết 28-NQ/TW ban hành, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện hoặc linh hoạt hơn về mức hỗ trợ - như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có thể hỗ trợ thêm một phần mức đóng cao hơn cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện đã thay đổi. Cụ thể, mức thu nhập thấp nhất được lựa chọn làm căn cứ tham gia BHXH tự nguyện bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (1,5 triệu đồng). Với tỉ lệ đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập lựa chọn, số tiền đóng tương đương 297.000 đồng (đã được nhà nước hỗ trợ 10%); tỉ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức thu nhập làm lựa chọn đóng.
"Như vậy, với quy định hiện nay, một người chỉ cần tiết kiệm không đến 10.000 đồng/ngày để tham gia BHXH tự nguyện và sẽ được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH tự nguyện không may qua đời" - ông Dương Văn Hào phân tích.
Tại hội thảo về cung ứng lao động sau dịch Covid-19, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết toàn quốc hiện có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng 9,6 triệu người), 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa (4,4 triệu đồng/tháng)… Ðiều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chỉ khoảng 2% nhóm lao động này tham gia BHXH.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là khoảng trống an sinh khi tỉ lệ bao phủ BHXH cho lao động phi chính thức còn rất thấp, đòi hỏi cần có những giải pháp. Bởi lẽ, tỉ lệ bao phủ BHXH thấp là một thách thức kép vì ảnh hưởng đến an sinh của những người trong độ tuổi lao động trong ngắn hạn cũng như an ninh thu nhập của họ về lâu dài khi cao tuổi và sống phụ thuộc vào lương hưu.
Rà soát, phân loại người tham gia
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện còn khoảng 17 triệu người tiềm năng thuộc các nhóm như khu vực HTX, nông dân, dịch vụ... chưa tham gia BHXH tự nguyện. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết thời gian qua, nhờ các hoạt động truyền thông đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng nhanh.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia, như: tăng cường hoạt động tuyên truyền; chú trọng rà soát, phân loại người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo địa bàn cấp xã để thực hiện các phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông phù hợp.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!