Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab) vừa có công văn yêu cầu doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) thực hiện nghiêm Công văn 1123 ngày 4-6 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về việc hợp tác đưa thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản.
Quyết chấn chỉnh thị trường
Theo hướng dẫn của Dolab, tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản (gọi chung là nghiệp đoàn) nếu trong 1 năm tiếp nhận dưới 100 TTS Việt Nam thì chỉ được hợp tác với không quá 3 DN phái cử của Việt Nam. Tương tự, nếu tiếp nhận từ 100 đến dưới 200 TTS thì được hợp tác với không quá 5 DN phái cử; từ 200 TTS trở lên được hợp tác không hạn chế số lượng với DN phái cử.
Quy định này áp dụng từ ngày 1-9. Trên cơ sở báo cáo của DN phái cử, cơ quan chức năng sẽ sắp xếp lại để dừng tiếp nhận TTS Việt Nam đối với những nghiệp đoàn không đáp ứng yêu cầu kể từ ngày 1-10.
Ngoài kiểm soát việc hợp tác giữa nghiệp đoàn và DN phái cử, Dolab còn yêu cầu DN thực hiện nghiêm các quy định mới về đưa TTS sang Nhật Bản. Theo đó, các DN phải có trách nhiệm củng cố tổ chức hoạt động và đào tạo TTS, có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cho người lao động (NLĐ) trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định.
Nhờ quan hệ tốt và hợp tác trực tiếp với đối tác Nhật Bản, Công ty Nhật Huy Khang đã đưa được nhiều lao động, kỹ sư sang Nhật Bản
Về hợp đồng phái cử TTS sang Nhật Bản, phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu, như thời giờ làm việc của TTS không quá 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần; TTS được hưởng lương đúng theo quy định tại Luật Lương tối thiểu của Nhật Bản.
Về chi phí, mức thu của NLĐ tối đa 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. DN phái cử chỉ được thu khoản phí này sau khi NLĐ được phía Nhật cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng với NLĐ; nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức. Riêng chi phí đào tạo tiếng Nhật trước khi đi, mức thu tối đa 5.900.000 đồng/người/khóa (thời lượng 520 tiết).
Băn khoăn quy định mới
Trước khi có Công văn 1123, ngày 18-11-2015, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã có Công văn 4732 về chấn chỉnh hoạt động đưa TTS sang Nhật Bản.
Việc liên tiếp ban hành 2 văn bản này, theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, là do xuất hiện một số hiện tượng bất ổn, tác động tiêu cực đến hợp tác cung ứng TTS giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nổi cộm là tình trạng DN tuyển dụng qua trung gian, không kiểm soát chất lượng lao động và không quản lý được việc thu tiền của NLĐ. Cùng với đó là tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh; thậm chí có DN cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mượn pháp nhân để đưa TTS sang Nhật Bản. Ngoài ra, chi phí NLĐ phải nộp trước khi đi quá cao.
Đại diện Công ty Nhật Huy Khang, một trong 5 DN dẫn đầu về số lượng cung ứng TTS sang Nhật, cho rằng đây là biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ DN Việt bị cá nhân, tổ chức nước ngoài thao túng, gây thiệt thòi cho NLĐ.
Dù vậy, một số DN vẫn băn khoăn về những quy định mới. Tổng giám đốc một DN XKLĐ ở Hà Nội cho rằng việc đưa ra số lượng tiếp nhận TTS hằng năm để khống chế không chỉ tước quyền kinh doanh của DN nước ngoài tại Việt Nam mà còn làm khó cho chính DN trong nước. Nếu DN phái cử nào làm bậy thì cứ theo luật mà phạt nặng, thu hồi giấy phép. Đừng vì muốn dễ quản lý mà cấm.
Theo vị tổng giám đốc này, điều đáng lo nhất hiện nay là môi giới Trung Quốc đang thao túng việc tuyển dụng, đưa TTS Việt Nam sang Nhật Bản. “Do lao động Trung Quốc sang Nhật giảm mạnh trong những năm qua nên các công ty môi giới của Trung Quốc sang Việt Nam, tìm cách liên kết với DN phái cử trong nước để tuyển lao động. Tôi biết có một số DN bán giấy phép, để môi giới Trung Quốc mặc sức tuyển lao động sang Nhật. Họ hưởng hết phần ngon, còn DN ngồi không hưởng 100 - 200 USD/người. Như vậy, quy định cho tổ chức nước ngoài tiếp nhận mỗi năm từ 200 TTS trở lên được hợp tác không hạn chế số lượng với DN phái cử trong nước càng tạo đất sống cho môi giới Trung Quốc” - vị tổng giám đốc này lo ngại.
Bình luận (0)