Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động nhưng mới có hơn 235.000 DN đóng BHXH (đạt khoảng 47%). Một số DN cố tình trốn tránh khai báo lao động và tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ); do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều DN giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động.
Tình trạng nợ BHXH kéo dài tại các doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. Ảnh MAI CHI
Tình trạng nợ BHXH kéo dài tại các DN ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi NLĐ. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỉ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các DN này cũng chưa được giải quyết. Công tác khởi kiện các DN nợ BHXH của tổ chức Công đoàn gặp nhiều khó khăn do bất cập của pháp luật.
Để đảm bảo quyền thụ hưởng của NLĐ, BHXH Việt Nam yêu cầu các địa phương sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên; đồng thời tập trung thực hiện tốt quy chế phối hợp với cơ quan thuế đã được ký kết, nâng cao hiệu quả quản lý của mỗi ngành, quản lý chặt chẽ, chính xác hơn đối tượng nộp thuế, nộp BHXH; hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và BHXH; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lạm dụng.
Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành chủ động lập và chuyển hồ sơ đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN cho Công đoàn các cấp để khởi kiện ra tòa án. Mục tiêu là đến tháng 12-2017, mỗi tỉnh, thành phố phải khởi kiện ít nhất 20 DN nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Bình luận (0)