Ghé thăm khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Thành (ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không gian sinh hoạt thoáng đãng, ngăn nắp ở đây. Không chỉ rợp bóng cây xanh, khu nhà trọ còn có sân chơi bóng chuyền, phòng đọc sách, hát karaoke cho công nhân (CN).
Sẵn lòng giúp đỡ
Bà Thành bộc bạch như vậy khi chúng tôi hỏi về các hoạt động chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN ở khu nhà trọ. “Tụi nhỏ là dân tứ xứ, phải tha hương cầu thực để kiếm sống nên cực khổ trăm bề. Mình là dân địa phương, cuộc sống dù sao cũng dễ thở hơn nên giúp được gì cho tụi nhỏ là dì luôn sẵn lòng” - bà Thành tâm sự.
Khu nhà trọ của bà Thành có 100 phòng với 270 CN đang sinh sống. Khu nhà trọ được xây dựng từ năm 2001, ban đầu chỉ có 20 phòng, sau thấy nhu cầu của CN cao nên bà đầu tư xây thêm. Dù các nhà trọ xung quanh đã lấy giá hơn 1 triệu đồng/phòng nhưng nhiều năm nay, bà vẫn cho CN thuê với giá 750.000 đồng/phòng 12 m2 và 800.000 đồng/phòng 16 m2. Tất cả phòng trọ đều có gác gỗ, phòng vệ sinh khép kín, nền lót gạch men sạch sẽ, thoáng mát. Chưa hết, CN được đăng ký đồng hồ điện và xài nước giếng giá rẻ. Để có nước sạch cho CN sinh hoạt và nấu ăn, bà bỏ tiền túi ra mua rồi cho họ sử dụng miễn phí.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu nhà trọ, đưa tay chỉ sân bóng rộng 200 m2, bà Thành nhớ lại: “Thương tụi nhỏ không có sân chơi nên dì mua thêm mảnh đất này để xây sân bóng chuyền. Có nơi sinh hoạt và rèn luyện sức khỏe vào buổi chiều nên tụi nhỏ bớt la cà, đàn đúm hay nhậu nhẹt, dì rất mừng”.
Ghé qua phòng đọc sách, chúng tôi rất ấn tượng khi thấy hàng trăm cuốn sách đủ loại, từ văn học, nghệ thuật đến nữ công gia chánh, tâm hồn cao thượng được xếp ngay ngắn trên kệ. Phòng còn trang bị dàn karaoke để CN giải trí vào cuối tuần.
Khi chúng tôi hỏi: “Sao dì không để dành đất xây phòng cho thuê mà làm sân bóng chuyền và phòng đọc sách cho CN?”, bà Thành cười hồn hậu: “Ai chết cũng với 2 bàn tay trắng chứ có mang theo được gì đâu. Vì thế, giúp mấy đứa nhỏ có điều kiện sinh hoạt tốt hơn là điều dì luôn mong mỏi”.
Bà Thành năm nay 62 tuổi, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hóc Môn. Trước đây, bà buôn bán trái cây, rau cải ở chợ. Khi lớn tuổi, bà về nhà xây nhà trọ cho thuê. Đặc biệt, phòng trọ nào của bà cũng treo ảnh Bác Hồ.
Bà nội của bà Thành là mẹ Việt Nam anh hùng, còn cha bà là liệt sĩ. Các con bà đang công tác ở các cơ quan nhà nước. Vì thế, bà luôn có ý thức sống sao cho gương mẫu và trách nhiệm với cộng đồng.
Chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ
Theo chân bà Thành, chúng tôi ghé thăm phòng trọ của chị Nguyễn Kim Hằng (CN Công ty Teratex - KCN Tân Thới Hiệp), đang nghỉ thai sản. Nhác thấy bà, chị Hằng đon đả: “Cô Tư khỏe không? Vào nhà nghỉ ngơi, uống nước với con một lát”. Không khách sáo, bà Thành liền tranh thủ hỏi thăm sức khỏe mẹ con chị Hằng. “Nhanh thật, mới ngày nào đi thăm ở bệnh viện còn đỏ hỏn trong tay mẹ, nay thấy cưng quá” - bà nựng nịu đứa bé.
Bà Thành là vậy, luôn đối đãi với CN ở trọ như con cháu trong nhà, quan tâm, chăm sóc họ không khác gì người ruột thịt. Không chỉ giữ nguyên giá thuê phòng, hễ hay tin CN gặp chuyện không hay là bà đều có mặt để thăm hỏi, động viên. Nghe tin nữ CN nào sinh con, bà đều lặn lội ra chợ mua thịt, sữa đến tận bệnh viện thăm hỏi. “Cô Tư tốt bụng lắm, ở khu trọ này ai cũng xem cô như người mẹ thứ hai” - chị Hằng xúc động.
Năm trước, trong khu nhà trọ có một nữ CN mắc bị bệnh tim bẩm sinh, chi phí phẫu thuật lên đến 150 triệu đồng. Thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của nữ CN này, bà Thành chủ động liên hệ với LĐLĐ huyện Hóc Môn nhờ hỗ trợ. Được chương trình “Trái tim nghĩa tình” của LĐLĐ TP HCM phẫu thuật miễn phí, đến nay, sức khỏe của nữ CN này đã khá hơn và có thể đi làm bình thường. Mới đây, hay tin một nam CN ở trọ chẳng may bị tai nạn lao động, phải ngồi xe lăn, bà cũng cho anh miễn phí tiền thuê phòng suốt một năm để san sẻ khó khăn.
Không chỉ nhớ tên tuổi, hoàn cảnh của từng người, bà Thành còn làm “chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ”, hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình CN ở trọ. Trước Tết, có 2 vợ chồng trong khu trọ đánh nhau và định ra tòa ly hôn. Tìm hiểu nguyên nhân, bà kêu người chồng ra góp ý: “Là đàn ông, đi làm về con phải có nghĩa vụ phụ giúp vợ con, không nên nhậu nhẹt say sưa”. Quay sang người vợ, bà ôn tồn khuyên bảo: “Một sự nhịn chín sự lành, con là vợ cũng phải mềm mỏng thì gia đình mới yên ấm. Tụi con ly dị đâu có khó, cô chỉ tội cho mấy đứa nhỏ”. Nhờ lời khuyên chân tình ấy của bà mà gia đình CN này hàn gắn được hạnh phúc.
“Quan tâm, lo lắng cho CN ở trọ từng chút, cô Thành xứng đáng là một trong những chủ nhà trọ điển hình ở địa phương. CN xa quê vốn thiếu thốn đời sống vật chất lẫn tinh thần nên tấm lòng bao dung, sẻ chia của những chủ nhà trọ như cô Thành rất đáng quý, đáng trân trọng” - ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, nhìn nhận.
Bình luận (0)