Kể từ ngày 1-1-2015, 13 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Cùng với đó, nhiều chính sách mới được điều chỉnh có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập, an sinh xã hội của số đông người dân.
Giảm trợ cấp thất nghiệp hằng tháng
Không thuộc phạm vi 13 luật mới nhưng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) khu vực doanh nghiệp từ ngày 1-1-2015 theo Nghị định số 103/2014/NĐ- CP ngày 11-11-2014 của Chính phủ được người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm.
Kể từ thời điểm trên, mức LTTV áp dụng đối với vùng I là 3.100.000 đồng/tháng, vùng II là 2.750.000 đồng/tháng, vùng III là 2.400.000 đồng/tháng và vùng IV là 2.150.000 đồng/tháng. Mức LTTV theo quy định mới sẽ cao hơn mức lương hiện hữu từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1-1-2015, cũng sẽ thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 6,3 triệu người sẽ được cải thiện thu nhập từ điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp ưu đãi.
Luật Việc làm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tuy nhiên theo quy định mới, NLĐ tham gia BHTN đủ 36 tháng chỉ được hưởng 3 tháng trợ cấp (trước đây là 6 tháng), tham gia đủ 72 tháng sẽ được hưởng 6 tháng (trước đây là 9 tháng). Mức hưởng BHTN từng tháng tối đa không vượt quá 5 lần mức LTTV hoặc mức lương cơ sở. Đặc biệt, NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp và không được hưởng một lần như trước.
Chống thất thoát trong xây dựng
Nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng 2014 là đổi mới phương thức, nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt dự án sử dụng vốn nhà nước; khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng; đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng. Luật Xây dựng 2014 cũng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới trong quản lý xây dựng khi quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, ngăn chặn tình trạng quy hoạch “treo”, xây dựng tự phát, sang tay nhà thầu… Theo lộ trình, sẽ có 6 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng.
Bộ Xây dựng cho rằng nghị định về quy hoạch xây dựng sẽ quy định chi tiết, trong đó có quy định việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp, tránh quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tùy tiện như thời gian qua.
Doanh thu càng lớn, thuế càng giảm
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế áp dụng từ ngày 1-1-2015 đối với hộ kinh doanh, cá nhân cho thuê tài sản (nhà, đất, xưởng, ô tô...), mà phổ biến nhất là cho thuê nhà, nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng, tức dưới 8,4 triệu đồng/tháng, cách tính giống như hiện hành (không chịu thuế môn bài, thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nếu doanh thu trên 100 triệu đồng thì phải nộp đủ 3 loại thuế, trong đó thuế TNCN nộp ở nhiều mức, tùy theo mốc doanh thu. Cụ thể, từ 8,4 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng, lấy doanh thu nhân tỉ lệ 5% sẽ ra mức nộp thuế TNCN khoảng 400.000 đồng - 1,5 triệu đồng/tháng (theo cách tính năm 2014 không phải nộp đồng nào vì đã giảm trừ gia cảnh, chi phí), doanh thu 30 - 214 triệu đồng/tháng, thuế TNCN là 1,5 - 10,7 triệu đồng/tháng, cộng thuế GTGT, thuế môn bài nên cao hơn nhiều so với cách tính năm 2014. Tuy nhiên, doanh thu trên 214 triệu đồng/tháng, thuế phải nộp theo cách tính năm 2015 giảm hẳn so với cách tính năm 2014. Như vậy, giá cho thuê nhà càng cao, doanh thu càng lớn thì thuế phải nộp theo cách tính mới càng giảm.
Theo thống kê, có khoảng 3 triệu người kinh doanh cho thuê tài sản bị ảnh hưởng trực tiếp từ luật thuế mới nói trên.
Chế định mang thai hộ
Ngoài 3 luật đã nêu, 9 luật khác cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phá sản; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan; Luật Công chứng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Hôn nhân và Gia đình.
Điểm mới rất quan trọng của Luật Hôn nhân và Gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản là nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Luật cũng bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con.
Bình luận (0)